Nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, đồng thời là nhà báo lớn, nhà thơ uyên bác mang bút danh Sóng Hồng đã viết mấy vần thơ tặng đồng chí Xuân Thủy khi ông đang ở Paris làm Trưởng đoàn đàm phán với Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chỉ là mấy vần thơ gửi “Gửi đồng chí Xuân Thủy”, đồng chí Trường Chinh đã phần nào nói lên tính cách, tài năng và đức độ, niềm tin – ung dung tự tại của Xuân Thủy trong mọi hoàn cảnh:
Mỗi tuần một trận đấu gay go
Mấy tháng chưa xong một ván cờ
Nắm vững phương châm giành thắng lợi
Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ
(Tuyển tập Xuân Thủy, NXB Văn học, năm 2000, trang 18)
Xuân Thủy là một trong những nhà lãnh đạo đức độ, tài năng của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiều cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực. Ông là nhà ngoại giao tầm cỡ, là nhà thơ – nhà báo tên tuổi. Năm 1950, tại chiến khu Việt Bắc, Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng (nay là Chủ tịch) đầu tiên của Hội Những người viết báo Việt Nam – Hội Nhà báo Việt Nam. Thật ý nghĩa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay vinh dự nằm trên đại lộ 36 Xuân Thủy, tuyến đường dẫn từ vùng đô thị trung tâm đến xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội – đến quê hương của ông.
Ông sinh năm 1912, qua đời năm 1985, giác ngộ Cộng sản và hoạt động cách mạng từ những năm đầu của thập niên 30 của thế kỷ XX, nhiều năm bị địch bắt và bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội, nhà tù Sơn La, nhà tù Bắc Mê – Hà Giang.
Xuân Thủy là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc nhất, toàn diện nhất của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta ở nửa sau của thế kỷ XX; người gắn bó với công tác Mặt trận Đảng, tấm gương sáng nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Xuân Thủy dày dạn kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, công tác Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, chính quyền của dân, do dân, vì dân. Ông còn là nhà thơ trữ tình cách mạng uyên thâm. Hai nhà lãnh đạo Trường Chinh và Xuân Thủy không ít lần viết thư cho nhau được thể hiện bằng thơ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Xuân Thủy gắn với thơ, ông có nhiều đóng góp quý báu đối với thi ca và nền văn học nước nhà. Thơ của ông là thơ theo Sóng Hồng giản dị, trong sáng mà uyên thâm, trí tuệ, lạc quan như nụ cười, như tiếng nói – hơi thở cuộc sống hằng ngày.
Có thể nói Xuân Thủy là một nhà báo lớn, tài năng, là người được Đảng phân công phụ trách báo Cứu Quốc bí mật, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, một trong những tờ báo cách mạng bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ. Năm 1945-1946, Cách mạng tháng Tám vừa thành công, cuộc đấu tranh chính trị diễn ra gay gắt giữa lòng Thủ đô Hà Nôi. Báo Cứu Quốc mà Xuân Thủy làm chủ nhiệm kiêm chủ bút là tờ báo hằng ngày duy nhất của cách mạng – trên thực tế vừa là cơ quan ngôn luận của Mặt trận vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, chuẩn bị về tư tưởng chính trị để cán bộ và nhân dân sẵn sàng tham gia cuộc kháng chiến toàn quốc, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ chính quyền của giai cấp công nông còn non trẻ – thành quả cuộc Cách mạng tháng Tám.
Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Báo Cứu Quốc – có chi nhánh ở các Khu và Liên khu kháng chiến, do Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút, là tiếng nói của Mặt trận, của Đảng và Chính phủ. Ông không chỉ là nhà chỉ đạo, tổ chức mà còn trực tiếp viết nhanh – viết nhiều bài bình luận, xã luận, chuyên luận sắc sảo, thâm sâu mà dễ hiểu, thấm đậm tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết, chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Đảng và Chính phủ đến cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh “chọn mặt gửi vàng”, Xuân Thủy là người tổ chức chính của lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên nhà báo yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại chiến khu Việt bắc. Đó là trường dạy viết báo cách mạng đầu tiên ở Việt Nam, tài sản quý của nền Báo chí Cách mạng. Hiểu thấu những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó là của nhà lãnh đạo Trường Chinh, lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng do Xuân Thủy quản lý, điều hành là chính (bao gồm cả việc tham gia giảng dạy), coi cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, báo chí là vũ khí, là phương tiện tuyên truyền, cở động cách mạng. Ông cũng là một trong những nhà báo đầu tiên hiểu và làm theo tinh thần nhà báo cũng là một nghề – nghề viết báo, làm báo – để phục vụ nhân dân và tầng lớp cần lao gian khổ.
Trên tinh thần đó, Xuân Thủy hết sức quan tâm công tác đào tạo, giảng dạy nghề báo để các nhà báo vừa tu luyện đạo đức báo chí, vừa giỏi nghề, tinh thông nghiệp vụ làm báo, viết báo. Nhà báo tên tuổi Nguyễn Thành Lê cùng thời với Xuân Thủy đã có lần viết, Xuân Thủy có “biệt tài” tập hợp những cán bộ cách mạng, nhưng đó cũng là những tài năng báo chí chung quanh mình viết bài cho Báo Cứu Quốc, sau này gọi họ là những cộng tác viên của báo. Bài học về cộng tác viên báo chí đã được chủ nhiệm kiêm chủ bút Xuân Thủy đặt ra khá sớm, chính họ là những người nằm ngoài tòa sọan, là các chuyên gia góp phần làm tăng thêm chất lượng ấn phẩm của mặt trận, của Đảng.
Thời kỳ nước ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam – miền Nam là mặt trận, tiền tuyến đánh Mỹ; miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù được Đảng phân công nhiều trọng trách, đồng chí Xuân Thủy vẫn hết sức quan tâm, gắn bó với hoạt động báo chí cách mạng, yêu nước ở cả hai miền. Ông gần gũi và quan tâm nhiều đến hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, thành viên của mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhà lãnh đạo, nhà báo Xuân Thủy không rời cây bút. Ông coi viết báo, làm thơ cổ động phong trào hành động cách mạng của bộ đội, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, các cháu thiếu niên nhi đồng là bổn phận. Xuân Thủy không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, lại cũng bận bịu công việc chẳng đủ thời gian dành cho thơ, nhưng thơ của ông xuất thần, như là để “hỗ trợ” thêm cho báo chí vậy. Cách viết, cách nói, phương pháp truyền thụ kiến thức cho đối tượng nhà báo, ở Xuân Thủy người ta thấy rõ sự kết họp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh tiên tiến, hiện đại. Thơ ca và báo chí gắn bó mật thiết trong con người Xuân Thủy.
***
Nhà báo Xuân Thủy là Hội trưởng đầu tiên Hội Những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) kể từ Đại hội thành lập Hội, cách đây 73 năm – ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Hội Nhà báo Việt Nam đến nay đã trải qua 11 kỳ Đại hội, diễn ra gần như đồng thời với những bước ngoặt cách mạng lớn lao. Nền Báo chí Cách mạng Việt Nam trải qua 98 năm phát triển, bắt đầu từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên, ngày 21-6-1925.
Các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam, mở đầu từ Báo Thanh Niên trải qua chặng đường dài phát triển, lớn mạnh cho đến hôm nay vẫn luôn luôn khắc sâu hình ảnh, sự cống hiến, tấm gương sáng kiên trung, bút sắc lòng trong – sục sôi bầu máu nóng cách mạng của các bậc tiền bối báo chí cách mạng, trong đó có nhà báo, Chủ tịch Hội Nhà báo đầu tiên Xuân Thủy. Thời kỳ làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La, dưới đòn roi, sự tra tấn của kẻ thù, nhằm động viên, cổ động tinh thần chiến đấu hy sinh của các tù chính trị, chủ bút Xuân Thủy lạc quan, yêu đời, vũng niềm tin tất thắng, bằng câu thơ lạc quan, giàu chí khí:
Thu sang non nước lạnh lùng
Suối Reo lên để cho lòng ta Reo (Đề báo Suối reo)
Đội ngũ những người làm báo hôm nay – năm 2023, vào dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin nguyện noi theo tấm gương sáng làm báo “Phó chính trừ tà” vì nhân dân của các thế hệ nhà báo tiền bối – “Suối Reo lên để cho lòng ta reo”! …
Ngày 10/6/2023
Phạm Quốc Toàn