Thông tin này gây bất ngờ cho giới nghiên cứu khoa học và được đánh giá là sẽ đóng góp rất quan trọng vào nghiên cứu, tham quan tại Mỹ Sơn.
Lật tung 220m2 đất, các nhà khảo cổ phát hiện lối vào bí mật ở Thánh địa Mỹ Sơn
Chiều 8-4, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức hội thảo và công bố thông tin bước đầu kết quả thăm dò, khai quật phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía đông tháp K.
Hình hài con đường thần đạo lộ ra ở Mỹ Sơn
Theo Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, trong thời gian qua các nhà khảo cổ đã lật tung khoảng 220m2 đất để làm rõ việc có hay không trong quá khứ từng tồn tại một tuyến đường dẫn từ tháp K vào trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn.
Về di tích, các hố khai quật xuất lộ cấu trúc một đoạn kiến trúc đường dẫn phía đông tháp K.
Cấu trúc cắt ngang con đường rộng phủ bì 9m, gồm lòng đường và hai bức tường xếp gạch bo hai bên.
Con đường dẫn từ phía đông tháp K hướng vào các khu tháp E – F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn.
Tường bao được xây dựng bằng cách xây, xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to, sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt trên khoảng 0,46m.
Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong các hố thăm dò, khai quật, có thể nhận định bức tường này không xây cao, mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong và phía ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích.
Những di vật trên tiếp tục củng cố nhận định kiến trúc đường dẫn có niên đại thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K.
“Kết quả thăm dò, khai quật đợt này khẳng định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ – lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến.
Con đường này kéo dài trên một khoảng không gian trên 500m, khởi đầu từ tháp K hướng đến khu vực sân trước khu tháp F.
Hiện tại đã có thể xác định chắc chắn cấu trúc của con đường từ tháp K đến khu suối Cạn về phía đông – cách tháp K khoảng 150m” – Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhận định.
Con đường dành cho các nghi thức thiêng liêng ở Mỹ Sơn
Dựa trên những dấu tích tìm thấy, các nhà nghiên cứu xác định con đường thần đạo dẫn vào tháp K mới được tìm ra có nhiều chức năng.
Cụ thể: Con đường này đóng vai trò là lối đi thần đạo – đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo. Con đường Hoàng gia – con đường dành cho các vị vua chúa và tăng lữ Champa đi vào Thánh địa Mỹ Sơn cúng tế các vị thần của họ.
Với kết quả nghiên cứu cập nhật trong đợt công tác này, các nhà khoa học kết luận rằng đây là con đường thiêng – con đường dẫn thần linh, vua chúa và tăng lữ Bà La Môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn.
Dấu tích của con đường thiêng hay con đường hành lễ liên quan đến các nghi lễ Ấn Độ giáo đã được các nhà khảo cổ phát hiện ở một số địa điểm có tính chất tương tự khu đền tháp Mỹ Sơn.
Giá trị ra sao đối với Mỹ Sơn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – chủ trì khai quật con đường thần đạo Mỹ Sơn, nói rằng việc lần đầu tiên thế giới tìm ra con đường thần đạo ở Mỹ Sơn sẽ bổ sung những câu chuyện văn hóa để di tích sống động, gần gũi hơn với du khách.
Đặc biệt các sự kiện tái hiện về các lễ nghi phục vụ tham quan Mỹ Sơn từ đây sẽ được nâng tầm, chuyện kể sẽ linh thiêng và hấp dẫn hơn.
“Chúng tôi rất mong muốn kết quả nghiên cứu sẽ được cập nhật để phục vụ nghiên cứu, du lịch. Trên cơ sở này các nhà văn hóa sẽ thiết kế lại tour tuyến, sản phẩm, câu chuyện. Du khách đến với Mỹ Sơn sẽ nghe được thêm các huyền tích” – ông Quý nói.
Tiến sĩ Quý cũng nhận định rằng việc lần đầu tiên tìm ra con đường thiêng ở Mỹ Sơn đã cho công chúng biết lâu nay việc thiết kế đường đi, lối lại phục vụ tham quan Mỹ Sơn “đang đi ngược”.
Hiện du khách mới đến Mỹ Sơn với sự hiếu kỳ, thăm kiếm di tích của một nền văn hóa đã đổ vỡ.
Do vậy, con đường thiêng vừa phát lộ sẽ cho công chúng thấy rõ hình hài một di sản nguyên vẹn từ cổng vào hành lễ cho đến thánh địa, tôn giáo của vương quốc đã rất rực rỡ trong lịch sử.