(CLO) Đường dây mua bán súng bất hợp pháp từ Mỹ phát triển mạnh đến mức làm gia tăng kỷ lục các vụ giết người tại khu vực Caribe.
Gần đây, hàng chục binh lính và cảnh sát đã phong tỏa khắp một khu phố ở Quần đảo Turks & Caicos, chỉ vài ngày sau khi quần đảo này báo cáo kỷ lục 40 vụ giết người trong năm nay.
Họ đang truy lùng tội phạm và vũ khí bất hợp pháp, gây ra làn sóng bạo lực trên khắp vùng Caribe. Trong khi đó, chính quyền phải vật lộn để kiểm soát luồng vũ khí được buôn lậu từ Mỹ.
“Hãy yên tâm, chúng tôi vẫn cam kết ngăn chặn dòng chảy súng bất hợp pháp”, Cảnh sát trưởng Jason James tuyên bố. Nhưng dòng chảy này quá mạnh. Vũ khí bất hợp pháp được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng kỷ lục các vụ giết người tại ngày càng nhiều đảo ở Caribe trong năm nay, bao gồm Trinidad và Tobago và Bahamas.
Súng đạn tràn lan ở Caribe
Theo tuyên bố của Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy, không có quốc gia Caribe nào sản xuất súng đạn hoặc nhập khẩu chúng với số lượng lớn, nhưng khu vực này lại chiếm một nửa trong 10 quốc gia có tỷ lệ giết người cao nhất thế giới.
Trong một lá thư gửi tới các nhà lập pháp Mỹ vào cuối tháng 9, Tổng chưởng lý New York và 13 đồng nghiệp khác trên khắp nước Mỹ đã yêu cầu các biện pháp mới để ngăn chặn dòng chảy súng, nhấn mạnh rằng 90% vũ khí được sử dụng ở vùng Caribe được mua lậu từ Mỹ.
Tổng chưởng lý New York Letitia James đã viết: “Súng do Mỹ sản xuất đang tràn vào các quốc gia và cộng đồng vùng Caribe, gây ra bạo lực, hỗn loạn và những thảm kịch vô nghĩa trên khắp khu vực”.
Vào giữa năm 2023, Chính phủ Mỹ đã bổ nhiệm điều phối viên đầu tiên về truy tố vũ khí ở Caribe để giúp hạn chế tình trạng buôn lậu vũ khí từ Mỹ vào khu vực này, với Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ Mỹ (ATF) đã ghi nhận số lượng vũ khí bị tịch thu ở Caribe.
Theo dữ liệu mới nhất của cơ quan này, năm ngoái, 266 khẩu súng bị tịch thu ở Bahamas đã được nộp cho ATF, cùng với 234 khẩu súng từ Jamaica, 162 khẩu từ Cộng hòa Dominica và 143 khẩu từ Trinidad và Tobago. Phần lớn là súng ngắn, tiếp theo là súng lục bán tự động.
Thông tin thu thập được từ vũ khí thu hồi có thể giúp chính quyền Mỹ xác định địa điểm và thời điểm mua vũ khí, từ đó mở cuộc điều tra buôn bán vũ khí trong nước.
Nhưng việc ngăn chặn dòng chảy vũ khí vẫn là thách thức vì những kẻ buôn lậu tháo rời vũ khí và giấu các bộ phận trong container được vận chuyển bằng đường biển.
Những vụ giết người trắng trợn
Michael Jones, giám đốc điều hành Cơ quan Thực hiện Tội phạm và An ninh tại Cộng đồng Caribe, cho biết sự gia tăng về vũ khí tự chế sản xuất bằng máy in 3D cũng khiến những tay súng sở hữu vũ khí cỡ lớn hơn, trở nên táo tợn hơn, đặc biệt tội phạm là những người trẻ tuổi hơn.
Ông cho biết hiện nay các vụ giết người không nhất thiết phải là lén lút xả súng trên đường, mà “có những người rất táo bạo khi tiến đến gần một cá nhân, chĩa súng vào đầu họ rồi bỏ đi” giữa ban ngày.
Jones cho biết các băng đảng đang hoạt động khắp khu vực, đôi khi các tay súng sẽ đến một hòn đảo nào đó để phạm tội rồi bỏ đi.
Một buổi chiều gần đây vào cuối tháng 10, một nhân viên 42 tuổi của Sở Lâm nghiệp Trinidad và Tobago đã bị bắn chết khi đang ở trong xe hơi gần nhà anh trai mình. Ông là một trong 6 người thiệt mạng trong vòng 48 giờ, nâng tổng số người chết ở quốc đảo này lên 518 người so với 468 vào năm ngoái.
Ở Bahamas, một người đàn ông bế đứa con 8 tháng tuổi đã bị bắn chết vào đầu tháng 10 khi anh bước ra khỏi xe, nơi một đứa trẻ 6 tuổi khác đang ngồi. Cả hai đứa trẻ đều không bị thương. Đây là vụ giết người thứ 90 trong năm tại Bahamas, nơi cho đến nay đã báo cáo mức tăng 23% về số vụ giết người so với năm ngoái.
“Chúng tôi yêu cầu Mỹ làm nhiều hơn nữa”
Hầu hết các loại vũ khí được buôn lậu vào vùng Caribe đều đến từ Florida, tiếp theo là Georgia và Texas. Chúng thường được vận chuyển trực tiếp đến một hòn đảo, mặc dù đôi khi chúng đi qua một cảng ở Jamaica hoặc Bahamas trước.
Người ta tìm thấy súng bên trong nhiều đồ vật, từ ô tô đến máy giặt. “Đây là một vấn đề lớn. Chúng tôi yêu cầu Mỹ hành động nhiều hơn nữa”, James Sutton, Cảnh sát trưởng St. Kitts và Nevis cho biết.
Quốc gia gồm hai hòn đảo này đã báo cáo ít nhất 27 vụ giết người, phần lớn được thực hiện bằng súng. Con số này đang tiến gần đến mức kỷ lục 32 vụ giết người vào năm 2016.
Haiti vẫn là quốc gia Caribe bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn buôn lậu vũ khí, cung cấp cho các băng đảng kiểm soát 85% thủ đô Port-au-Prince.
“Mặc dù các biện pháp cấm vận vũ khí được tăng cường, tình trạng buôn bán vũ khí vẫn tiếp diễn không hề suy giảm”, một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công bố vào cuối tháng 10 nêu rõ. “Các băng đảng ngày càng mua nhiều vũ khí cỡ lớn hơn, gây ra nhiều thiệt hại hơn và đặt ra thách thức lớn hơn đối với cảnh sát và phái bộ (do Liên hợp quốc hậu thuẫn)”.
Báo cáo cho biết hoạt động buôn lậu từ Mỹ đến Haiti không phải là một quá trình phức tạp, lưu ý rằng có nhiều mạng lưới thường dựa trên mối quan hệ gia đình hoặc xã hội và “phần lớn” trong số 200 container từ Nam Florida đến Haiti mỗi tuần đều không được kiểm tra.
Hoài Phương (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/sung-lau-tu-my-lam-gia-tang-cac-vu-giet-nguoi-vung-caribe-post321314.html