Vùng đất khó là cụm từ dành để chỉ các xã, thôn, bản miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh – nơi cơ sở hạ tầng luôn thiếu thốn, đời sống nhân dân khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao… Thế nhưng, những hình ảnh đó giờ đã là dĩ vãng, bởi những vùng đất ấy đã và đang đổi thay từng ngày.
Giao thông đi trước
Là xã miền núi của huyện Vân Đồn, nhiều năm về trước Vạn Yên như một ốc đảo được bao quanh bởi núi rừng. Con đường từ xã đến trung tâm huyện tuy không dài, song cũng khiến người ta ái ngại, bởi là đường bê tông nhỏ hẹp. Ngày ấy xã Vạn Yên nổi tiếng khắp vùng với thương hiệu cam Vạn Yên, nhưng thường xuyên rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá” do giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.
Vạn Yên nay đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Niềm vui lớn nhất với người dân nơi đây là vào cuối năm 2012 khi tuyến đường nối thôn Phú Sơn với đường 10/10 ra bến Cái Bầu được hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng chiều dài hơn 1km. Với người dân trong thôn, tuyến đường này được đầu tư xây dựng mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển.
Bà Lê Thị Bảy (thôn 10/10, xã Vạn Yên) cho biết: Tôi gắn bó với thôn 10/10 đến nay đã 25 năm từ khi nơi đây chỉ có mấy chục căn nhà lụp xụp, đường sá lầy lội, muốn mua được mớ rau phải đi hàng chục cây số… Vì vậy, tuyến đường thôn được nâng cấp, cải tạo, bê tông hóa, người dân chúng tôi vỡ oà trong sung sướng. Mọi khó khăn, gian khổ, vất vả trong suốt quãng thời gian dài dường như đã lùi lại phía sau. Nhờ có con đường này, giao thông đi lại dễ dàng hơn, sản xuất thuận tiện hơn, thu nhập của người dân được cải thiện. Và cũng từ đây, một vùng trồng cam rộng lớn hàng trăm ha đã được hồi sinh.
Thực hiện định hướng phát triển, để Vạn Yên thực sự bứt phá, huyện Vân Đồn đã dành nguồn lực triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm cho khu vực này như: Hạ tầng khu tái định cư, khu hành chính xã Vạn Yên; mở rộng đường 334 đoạn từ sân golf Ao Tiên đến nút giao giữa đường 334 với đường vào Khu công viên phức hợp; cải tạo, nâng cấp tuyến đường 31 cũ kết nối Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với trung tâm xã Vạn Yên… Từ đó, tăng tính kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các xã, hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ.
Việc có đường giao thông thuận tiện đã mang đến sức sống mới cho mảnh đất này. Vạn Yên hôm nay đã không còn hộ nghèo. Chị Long Thị Lý (thôn 10/10, xã Vạn Yên) chia sẻ: Chứng kiến bao sự đổi thay của mảnh đấy này, nhưng lớn nhất là từ khi xã có đường giao thông đi lại thuận tiện. Có đường giao thông, gia đình tôi đã đầu tư trang trại tổng hợp trồng cam, nuôi vịt, thả cá, đồng thời cung cấp các dịch vụ ăn uống cho khách du lịch. Nhờ đó, năm 2022 gia đình đã mua được 1 chiếc xe ô tô bán tải để phục vụ sản xuất.
Không chỉ đổi thay, từ một xã vùng sâu, vùng xa khó khăn, Vạn Yên hôm nay đã là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách khi tiết trời vào thu. Từ trung tâm thị trấn Cái Rồng, du khách vượt qua 10km đường bộ với khoảng 30 phút đi xe để tới xã Vạn Yên ngắm nhìn những vườn cam vàng sai trĩu quả. Vào những ngày cuối tuần, khắp xã lại rộn ràng bởi những đoàn khách du lịch nô nức kéo về.
Như vườn cam 68 của ông Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu), vào những ngày cuối năm thường đón khoảng 500 lượt khách/ngày, đó là chưa kể thương lái vào thu mua cam để chuyển bán ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ông Hậu cho biết: Thời điểm này của năm 2021 có những ngày vườn chúng tôi đón khoảng 1.000 khách từ khắp nơi trong tỉnh. Đường mở tới đâu, cái nghèo nơi đó bị đẩy lùi, nhường chỗ cho sự ấm no, giàu có, hạnh phúc. Tôi đang nghiên cứu để đưa thêm các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách quanh năm.
Thổi bùng ý chí làm giàu
Sự thay đổi ở mỗi vùng đất của Quảng Ninh hôm nay không chỉ bởi cơ sở hạ tầng với hàng loạt công trình giao thông, thông tin liên lạc, cơ sở giáo dục… mà còn bởi chính “chủ thể” của mảnh đất nơi đó. Đó là cuộc sống, nhận thức, tư duy của những người dân.
Chúng tôi có dịp tới thăm HTX Phát triển Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) vào những ngày cuối năm. Trong không khí tất bật của những ngày cận Tết Nguyên đán, người lao động tại xưởng miến dong của HTX đang hối hả sản xuất, người đóng gói, người phơi miến, người vận hành máy… Thế nhưng, điều khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng đó là chủ của cơ sở sản xuất miến với hàng chục nhân công này là người đàn ông dân tộc Sán Dìu đã ở tuổi 60. Ở đây, người dân vẫn gọi ông là “vua miến” La A Chiu.
Ông Chiu đã trở thành tấm gương người dân tộc thiểu số từ hai bàn tay trắng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Cuộc sống của gia đình ông trước đây quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nương, nên cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Nhiều năm liền, gia đình ông luôn thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2020, việc huyện thực hiện chủ trương khôi phục, xây dựng, phát triển sản phẩm miến dong, đã thổi bùng khát vọng thoát nghèo trong ông. Tận dụng tiềm năng của quê hương, ông Chiu đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư thiết bị, máy móc, thu mua nguyên liệu để sản xuất miến. Để đưa sản phẩm vươn xa, ông cũng là một trong số ít người tiên phong đăng ký tham gia chương trình OCOP. Bằng ý chí, bàn tay lao động và nỗ lực của chính mình, từ cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, ông Chiu đã thành lập một HTX mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Chiu chia sẻ: Tôi không muốn đời mình, rồi tới con cháu cứ nghèo mãi. Vì vậy, khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã đầu tư sản xuất miến dong, từ đó không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, mà còn nâng cao thu nhập cho bà con địa phương. Không có gì là không thể, chỉ cần sự quyết tâm, chăm chỉ, chịu khó, bất cứ ai cũng có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bằng bàn tay, khối óc và sự cần cù của người nông dân, những câu chuyện làm giàu ngày càng trở nên phổ biến tại các thôn, bản của tỉnh. Kết quả đó có được chính từ những thay đổi trong tư duy sản xuất, xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, chủ động vươn lên thoát nghèo ở mỗi người dân.
Nhìn cơ ngơi khang trang có được hôm nay của anh Triệu Quay Phúc (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) ít ai nghĩ rằng gia đình anh đã từng là hộ nghèo nhất của thôn.
Anh Phúc chia sẻ: Những năm trước, quanh năm ngày tháng cái nghèo cứ đeo đẳng bám lấy gia đình tôi. Ngày ấy, có được một bữa ăn no cũng là điều xa xỉ. Vì thế, tôi luôn đau đáu câu hỏi “Làm thế nào để thoát được cảnh nghèo khó?”. Năm 2004, gia đình tôi được giao 30ha đất rừng sản xuất. Để có vốn sản xuất, tôi đã xin tham gia vào tổ tiết kiệm và vay vốn của xã, được tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng CSXH. Với số tiền vay được, tôi lặn lội sang Bắc Giang mua 5 con bò sinh sản; đồng thời đầu tư trồng keo phủ kín đồi trọc. Trời không phụ lòng người, năm 2009 gia đình tôi đã thoát nghèo.
Không dừng lại ở câu chuyện thoát nghèo, nhận thấy hiệu quả từ rừng trồng, anh Phúc quyết định trồng 5ha quế nhằm thay thế dần diện tích cây keo hiện có. Số diện tích rừng còn lại gia đình đầu tư làm vườn ươm cung cấp cây giống cho bà con trên địa bàn huyện, mang lại nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho 5-10 lao động địa phương. Năm 2020, anh Phúc đã mạnh dạn thành lập HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ, với nhiệm vụ phát triển rừng, thu mua sản phẩm quế sau thu hoạch, chế biến ngay tại chỗ một số thành phần. Nhiều hộ dân trong thôn đã tìm đến gia đình anh Phúc để học hỏi kinh nghiệm làm giàu.
Giờ đây, những câu chuyên về làm giàu đã trở thành phổ biến, bất cứ ai cũng dễ dàng bắt gặp trong các buổi sinh hoạt, họp bàn, hay trò chuyện khi đến các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi của Quảng Ninh hôm nay. Đó sẽ là động lực quan trọng để nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, kiến tạo nên một Quảng Ninh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.