LTS: Trưa 19/8, tại thủ đô Bắc Kinh, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí Thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn nhằm tăng giá trị xuất khẩu cho trái sầu riêng Việt Nam, thúc đẩy phát triển bền vững ngành này, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân trồng sầu riêng.
Với Nghị định thư quan trọng này và trước đó đã xuất khẩu chính ngạch quả sầu riêng tươi năm 2022, Việt Nam hoàn toàn tự tin tiến xã hơn cho ngành sầu riêng, đó là xây dựng thương hiệu toàn cầu cho loại trái cây vua đạt giá trị hàng chục tỷ USD.
Bài 1: Sức nóng từ vùng trồng sầu riêng Tây Nguyên
Tại “thủ phủ” sầu riêng Tây Nguyên, từ nông dân đến các hợp tác xã, doanh nghiệp đều bày tỏ sự vui mừng trước thông tin “sốt dẻo” Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh Việt Nam.
Bởi từ đây, sản phẩm sầu riêng của Việt Nam, trong đó có sản phẩm sầu riêng đông lạnh có thể bán cho thị trường tỷ dân ở mọi thời điểm trong năm, len lỏi sâu hơn vào nội địa Trung Quốc rộng lớn…
Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạn: Nông dân, doanh nghiệp mong mỏi từ lâu
Chia sẻ niềm vui với phóng viên Dân Việt, ông Phan Văn Dược (52 tuổi, thôn Phước Trung, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, ông làm sầu riêng đông lạnh đóng gói hàng chục năm nay.
Tuy nhiên sản phẩm sầu riêng đông lạnh của ông Dược vẫn chủ yếu bán ở thị trường trong nước. Sau khi nghe tin sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Dược rất vui, bởi từ đây ông sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị hơn nữa từ việc trồng và chế biến sầu riêng.
“Nếu mà thông thương được thì rất tốt cho những đơn vị sản xuất, kinh doanh sầu riêng đông lạnh tại Việt Nam. Về lâu dài, việc này rất tốt vì nếu có trục trặc gì về tiêu thụ sầu riêng trái tươi thì chúng ta có thể bóc múi, xử lý sầu riêng trái để cấp đông rồi xuất khẩu.
Từ sầu riêng trái, chúng ta có rất nhiều cách chế biến như bóc múi trữ đông, làm các loại nguyên liệu, từ đó xuất khẩu đa dạng mặt hàng hơn” – ông Dược chia sẻ.
Tuy nhiên, để xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh chính ngạch, yêu cầu đầu tiên là doanh nghiệp phải có mã số đóng gói. Trong khi đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp lại không có mã số vùng trồng, mà phải liên kết với các nông hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã khác có mã số vùng trồng thì mới có thể xuất khẩu được.
“Do đó, để có hàng phục vụ xuất khẩu, bắt buộc doanh nghiệp sẽ phải tăng cường liên kết với nông dân, hợp tác xã. Hợp tác làm ăn lâu dài thì mới có thể cạnh tranh, duy trì được”, ông Dược chia sẻ.
Lão nông Lâm Đồng cũng mong muốn, sau khi Nghị định thư được kí, các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại về các tiêu chuẩn, kỹ thuật cũng như chất lượng của sầu riêng để đảm bảo các quy định của Trung Quốc khi xuất khẩu. Từ đó, từng nhà vườn sẽ có định hướng để sản xuất, chăm sóc sầu riêng theo tiêu chuẩn đề ra.
Ông Phan Văn Dược là một trong những nông dân được Trung ương Hội Nông dân bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.
Hiện ông đang là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai với thương hiệu sầu riêng Minh Hoàng Khôi. Hợp tác xã của ông Dược cũng là đơn vị đi đầu trong việc cấp đông sầu riêng ở Đạ Huoai để chủ động tiêu thụ. Hàng năm, hợp tác xã của ông Dược bán ra thị trường hàng chục tấn sầu riêng cấp đông.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi, trao đổi với PV Dân Việt, anh Trịnh Đình Đức, sinh năm 1972, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, mấy ngày nay rất nhiều bạn bè, khách hàng nhắn tin chúc mừng anh và công ty nhân việc Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh.
“Đây là điều doanh nghiệp chúng tôi đã mong mỏi từ lâu. Với vườn sầu riêng canh tác đúng quy trình, thông thường cũng chỉ có khoảng 60% số trái đạt kích cỡ, mẫu mã để xuất khẩu dạng quả tươi, còn lại là các trái méo mó, quá to hoặc quá nhỏ sẽ phải tiêu thụ trong nước với giá bán thấp hơn, hoặc tách múi.
Vì vậy khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác hết quả sầu riêng, tăng thêm sản lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, vào những lúc rộ mùa, không tiêu thụ kịp thì những trái đạt tiêu chuẩn có thể đưa vào cấp đông nguyên quả bằng khí Nito, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng để xuất đi vào những lúc hết mùa” – anh Đức chia sẻ.
Theo anh Đức, điều này sẽ đem lại thuận lợi rất lớn cho các vùng trồng sầu riêng bởi hiện nay, sầu riêng cũng là loại trái cây cao cấp nhất của Việt Nam, với sản lượng lớn, chất lượng thơm ngon.
“Chất lượng sầu riêng cấp đông của Việt Nam không thua kém gì hàng Thái Lan, Malaysia, độ đường đạt từ 28-34%, nhưng lâu nay chúng ta thường phải xuất khẩu theo “đường vòng”. Thực tế, các doanh nghiệp Thái Lan vẫn sang Việt Nam thu mua sầu riêng để đưa về nước sơ chế, rồi họ lại xuất khẩu đi Trung Quốc” – anh Đức tiết lộ.
Trao đổi thêm với Dân Việt, anh Đức cho biết, để bóc được 1 tấn sầu múi thì cần từ 3-4 tấn quả sầu riêng. 1 container múi sầu riêng cấp đông (25-30 tấn) sẽ tương đương với khoảng 90-100 tấn quả. Điều này giúp doanh nghiệp giảm nhiều chi phí vận chuyển, giảm rủi ro nhiễm sâu bệnh từ vỏ sầu riêng.
Một thuận lợi nữa, theo anh Đức, sầu tách múi thường được phân làm 4 loại, loại A-B là những múi to, màu vàng đẹp, đủ độ chín, thường bán ăn trực tiếp; còn lại là những múi bị chín ép, bị cháy múi, độ đường thấp hoặc sượng thì có thể xay nhuyễn làm kem hoặc bánh kẹo…
Như vậy, mọi thứ trong trái sầu riêng đều có thể tận dụng và làm hàng xuất khẩu. Thậm chí, kể cả vỏ sầu riêng, nếu có công nghệ máy móc xay nhỏ ra làm phân vi sinh cũng rất tốt.
Khi chúng tôi gọi điện hỏi thăm, cũng là lúc anh Đức đang đi thăm vườn sầu riêng nguyên liệu để chuẩn bị cắt. Anh Đức cho biết, trình độ thâm canh sầu riêng của nông dân Việt Nam chưa bằng được Thái Lan, Malaysia, bởi bà con trồng theo kinh nghiệm, truyền miệng là chính; tỷ lệ vườn trồng xen nhiều.
Một số HTX, trang trại cũng đang quy hoạch lại để tập trung đầu tư, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sầu riêng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Điều làm anh Đức yên tâm là nông dân canh tác sầu riêng tích cực hợp tác với doanh nghiệp, bảo đảm chế độ chăm sóc đúng quy định, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục.
Hiện Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng đang có vùng nguyên liệu hơn 300ha. Đây cũng chính là vùng nguyên liệu được cơ quan Hải quan Trung Quốc và cơ quan chức năng Việt Nam chọn để kiểm tra trực tiếp. Sản lượng 1ha đạt trung bình 25-30 tấn/vụ.
Anh Đức cho biết, doanh nghiệp đang mua sầu riêng của nhà vườn với giá dao động từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, trong đó xuất khẩu quả tươi khoảng 50% sản lượng, còn lại dùng chế biến, tách múi cấp đông. Năm ngoái, Công ty Đức Huệ xuất khẩu được 4.000 tấn trái sầu riêng tươi.
“Thủ phủ” sầu riêng Đắk Lắk vào mùa, công nhân phải làm tăng ca
Trong khi đó, vùng trồng sầu riêng lớn thứ hai cả nước là Đắk Lắk cũng đang vào chính vụ thu hoạch, không khí mùa vụ tại đây dường như đang “nóng” hơn bao giờ hết.
Cùng với việc sầu riêng cấp đông “danh chính ngôn thuận” rộng đường vào Trung Quốc, tỉnh Đắk Lắk cũng đang chuẩn bị tổ chức Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, năm 2024 tại TP. Buôn Ma Thuột. Các nhà vườn, farm, hợp tác xã và doanh nghiệp tại đây đã sẵn sàng chào đón du khách đến thăm vườn, tham gia Hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi…
Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk (Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022) cho biết, sầu riêng Đắk Lắk đang vào mùa chín rộ nên tư thương Trung Quốc vào vườn thu mua khá nhiều. Những ngày này, chị phải thuê tới 50 nhân công làm việc quần quật từ sáng sớm cho tới 10 giờ đêm.
Cùng với vườn sầu riêng 5ha của nhà mình đang cho năng suất cao, chị Thảo còn là chủ vựa thu mua sầu riêng có tiếng ở huyện Krông Pắk. Vì thế, mỗi ngày chị Thảo đều tất bật đi thăm vườn, cùng nhân công thu hoạch sầu riêng, phân loại, xử lý các đơn hàng.
“Từ đầu mùa tới nay tôi thu mua được khoảng 2.000 tấn trái, trong đó một nửa bán trái tươi cho khách Trung Quốc, còn lại tách múi cấp đông. Giá thu mua sầu riêng tại vườn dao động từ 40.000 – 70.000 đồng/kg, trong đó trái đẹp giá trung bình 70.000 – 80.000 đồng/kg. Giá này thấp hơn năm ngoái nhưng nông dân trồng sầu vẫn có lãi cao” – chị Thảo vui vẻ nói.
Sầu riêng Đắk Lắk chủ yếu là các giống chất lượng cao như Dona, Monthong. Chị Thảo cho biết, năm nay, hầu hết các vườn đều được mùa, sai trái, tuy nhiên thời tiết khí hậu bất lợi xảy ra đúng lúc sầu vào cơm khiến nhiều vườn bị giảm chất lượng, màu cơm không vàng, sượng nhiều. So với năm ngoái, giá sầu riêng tại vườn năm nay giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg nhưng bù lại hàng dễ bán hơn.
“Năm nay, Trung Quốc mua sầu riêng đông lạnh chính ngạch nên bà con rất phấn khởi. Trái sầu riêng trở thành mặt hàng không sợ ế, tắc, nông dân cứ yên tâm làm thôi. Chỉ cần cơm sầu đạt chuẩn là được xuất khẩu, giá bán cũng sẽ cao hơn và ổn định hơn” – chị Thảo nói.
Thực tế mọi năm chị Thảo vẫn lựa những trái sầu lệch méo, tách cơm cấp đông để xuất khẩu, nhưng phải đi đường vòng sang Thái Lan, khiến chi phí đội lên, giá bán cũng thấp hơn.
“Trước kia, nông dân cứ để cây tự do lớn theo mưa nắng, nhưng những năm gần đây thời tiết biến động thất thường nên bà con cũng phải tìm cách chăm sóc vườn cây kĩ càng hơn, tốn nhiều chi phí hơn. Bây giờ thì yên tâm trồng sầu riêng thôi, trái đẹp thì xuất khẩu giá cao, trái không đẹp cũng vẫn bán được. Ở Tây Nguyên các vườn sầu chỉ cần bán giá 30.000 đồng/kg là ngon rồi” – chị Thảo vui vẻ chia sẻ với Dân Việt.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng 32.700 ha sầu riêng, trong đó có 9.556 ha trồng thuần và hơn 23.200 ha trồng xen, sản lượng hơn 281.000 tấn, đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Năm 2022, sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 11,7 triệu USD; năm 2023 đã tăng lên đến 160 triệu USD.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 266 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 7.292 ha; trong đó có 68 mã số vùng trồng (diện tích 2.521 ha) đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng (diện tích 4.771 ha) đang chờ phía Trung Quốc phê duyệt.
Ngoài 23 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số, tỉnh Đắk Lắk có 10 cơ sở đóng gói quả tươi đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 16 cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh đã cung cấp thông tin để Cục Bảo vệ thực vật đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hiện, “thủ phủ” sầu riêng Tây Nguyên có 251 cơ sở thu mua, trong đó, huyện Krông Pắc 101 cơ sở, huyện Cư M’gar 64 cơ sở, huyện Krông Búk 11 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 10 cơ sở… Trên địa bàn đã có 37 cơ sở cấp đông sầu riêng, tập trung tại một số huyện như Krông Pắc, Cư M’gar, TX. Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột… với tổng công suất 3.170 tấn.
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tình hình mua bán sầu riêng năm nay ổn định, không có tình trạng tranh mua, tranh bán, không còn cò sầu riêng như năm trước. Thêm vào đó, thương lái lựa chọn rất kỹ để sàng lọc sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ giai đoạn thu mua. Những sản phẩm chất lượng sẽ được thương lái mua giá cao, còn sản phẩm không đạt sẽ mua giá thấp.
Mùa sầu riêng năm trước, do giá tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng thu mua sầu riêng diễn biến phức tạp, nhiều người không hiểu được tình hình thực tế, ồ ạt xây dựng kho, nhưng không có người thuê. Thậm chí, có những đơn vị không rành về sầu riêng, nhưng vẫn thuê kho mua hàng dẫn đến bị thua lỗ.
“Năm nay, tình trạng đó không còn nữa nên nhiều cơ sở có tên kho nhưng không hoạt động. Vườn sầu riêng làm ăn lộn xộn, kém chất lượng bán được vụ năm ngoái thì năm nay sẽ không có thương lái đến mua”, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết tại buổi họp báo thông tin về Lễ hội sầu riêng lần thứ 2 mới đây,
Để chuẩn bị tốt cho xuất khẩu sầu riêng cấp đông, ông Nguyễn Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk cho biết, sở đã tiếp cận với các doanh nghiệp, sẵn sàng đầu tư kho cấp đông theo tiêu chuẩn, yêu cầu của đối tác để xuất khẩu sầu riêng cấp đông vào năm 2025.
“Đắk Lắk đã có đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững đến năm 2030. Trong đó địa phương xác định các vùng trọng điểm, vùng hạn chế và vùng không nên trồng sầu riêng để có hướng quản lý. Địa phương cũng định hướng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sầu riêng, trong đó phải kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng theo yêu cầu của thị trường” – ông Hà thông tin.
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng (hiện là Bí thư Huyện ủy Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) nhận định, Nghị định thư cho phép sầu riêng đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng. Ngoài việc xuất khẩu trái tươi thì Nghị định thư còn giải quyết được nhiều vấn đề của ngành sản xuất.
Theo thống kê, năm 2023, tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh Lâm Đồng là hơn 20.300ha. Trong đó, diện tích trồng thuần hơn 12.600ha với hơn 9.100ha sầu riêng kinh doanh; diện tích trồng xen đạt hơn 7.700ha, 1.723 ha ở giai đoạn kinh doanh. Tổng sản lượng sầu riêng thu hoạch năm 2023 đạt 123.974 tấn.
Ông Châu cũng cho biết, tính đến năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng mới có gần 14.000 tấn sầu riêng tươi được chế biến, bóc múi, cấp đông (chiếm 11,2% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh). Đây là con số còn khá khiêm tốn, vì vậy nếu được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì sản lượng sầu riêng được chế biến của Lâm Đồng sẽ tăng lên.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, diện tích sầu riêng cả nước hiện khoảng 151.000 ha, phân bố tại các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó, diện tích sầu riêng vùng Tây Nguyên khoảng 75.488 ha, chiếm khoảng 50% diện tích cả nước.
Nguồn: https://danviet.vn/mo-vang-sau-rieng-trai-cay-vua-cua-viet-nam-suc-nong-tu-thu-phu-trong-sau-rieng-tay-nguyen-20240822145809983.htm