Theo một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam: sức mua trên thị trường trong nước tăng chậm, mua sắm dè chừng, chủ yếu là các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, hàng tươi sống…
Chiều 13/8, tại TPHCM, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam để bàn về đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước”.
Tại buổi làm việc, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ, hiệp hội ngành hàng đều có chung nhận xét là sức mua tại thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm lại trong năm 2023 vẫn kéo dài đến thời điểm này. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội.
Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: Thói quen tiêu dùng của người dân có thay đổi. Trước đây người dân đi siêu thị thường xuyên thì nay giảm hơn. Giỏ hàng của người dân cũng có giá trị nhiều hơn tập trung vào các mặt hàng về lương thực, thực phẩm. Để kích cầu tiêu dùng, tập đoàn đã đưa ra các chương trình khuyến mãi như giảm giá 10%thực phẩm tươi sống vào giờ sáng sớm cho khách hàng. Giá mềm thu hút khách hàng nhiều hơn.
Ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (SATRA) cho biết: Sức mua trong 6 tháng đầu năm giảm, nhóm mua hàng co cụm lại chủ yếu ở thực phẩm, lương thực. Các ngành hàng thời trang, ngành hàng khác có giảm.
Để thúc đẩy thương mại trong nước, ông Sơn đề nghị một số giải pháp như: Thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung của thành phố cần rút ngắn thời gian, thay vào đó là làm đồng bộ, hiệu quả, tạo chiến dịch quảng bá rộng rãi hơn. Các tỉnh cần hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ lẻ, nhà sản xuất sản phẩm OCOP, các hợp tác xã … để họ liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành đầu mối cung cấp hàng hóa để các đơn vị phân phối, bán lẻ dễ dàng tiếp cận, giới thiệu sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.
Tương tự, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng cho biết: Saigon Co.op đã làm nhiều chương trình khuyến mãi, tập trung hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống. Hiện nay, các doanh nghiệp về ngành hàng No-food đang sản xuất dè chừng vì sợ sản phẩm không được ưa chuộng, lo sợ không có đầu ra, do sức mua giảm.
Theo dự thảo đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước” (do Bộ Công thương làm đầu mối soạn thảo), 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ, các nhóm hàng có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm, giáo dục… Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn so với mục tiêu của ngành Công Thương đặt ra trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại chiến lược thương mại trong nước.
Trước thực trạng trên, một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam đã tìm giải pháp thích ứng như: khuyến mãi theo khung giờ, theo phân khúc khách hàng; tăng lượng hàng thực phẩm hữu cơ, tăng ngành hàng sức khỏe; giảm giá để xả hàng tồn kho; chương trình bán hàng bình ổn giá; chương trình hàng Tết…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết: Đây là buổi trao đổi để Bộ nắm bắt tình hình chung, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có cơ hội phân tích xu hướng, cũng như chia sẻ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/suc-mua-hang-tieu-dung-noi-dia-tang-cham-chu-yeu-la-luong-thuc-thuc-pham-2024081320111722.htm