Thuế giá trị gia tăng giảm 2%, lương tăng 20,8%
Từ ngày 1.7, theo Nghị định 24/2023 của Chính phủ ban hành, mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so lương cơ sở hiện hành. Tương tự, theo Nghị quyết chung vừa được Quốc hội thông qua chiều 24.6, từ ngày 1.7, thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ được giảm 2%, về 8% đến cuối năm nay. Tuy nhiên, việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, kim loại, dầu mỏ tinh chế, khai khoáng… và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chị Trần Thu Hoài (ngụ Q.3, TP.HCM), kế toán một công ty vận tải biển, nói việc tăng lương cơ sở lên hơn 20% tạo tâm lý khá lạc quan cho cán bộ, công chức, viên chức. Chị cho biết: “Lương của mình hiện hơn 9,089 triệu đồng, theo hệ số lương 6.1, từ ngày 1.7 sẽ tăng lên 10,98 triệu đồng. Thu nhập tăng thêm gần 2 triệu đồng/tháng, gia đình 2 người cũng thêm được 4 triệu đồng/tháng. Sau 4 năm (từ 1.7.2019) tăng mức đó thì tính ra trung bình mỗi năm chỉ tăng 500.000 đồng/tháng, nhưng như vậy cũng tốt hơn nhiều cho tâm lý chi tiêu thắt lưng buộc bụng như hiện nay”.
Anh Nguyễn H.T (ngụ Q.7, TP.HCM), kiểm tra viên ngành hải quan, hồ hởi: “Lương cơ sở tăng là vui quá rồi”. Mức lương cơ bản của anh H.T hiện tại gần 11,4 triệu đồng/tháng, sau ngày 1.7 sẽ tăng lên 13,75 triệu đồng/tháng. “Lương tăng và thuế GTGT cũng giảm tiếp 2% cùng thời điểm nên có thể chi tiêu tăng thêm chút. Ví dụ sẽ có thêm buổi đi ra ngoài ăn cải thiện, nhu yếu phẩm trong gia đình sẽ được tăng mua sắm hơn. Nói chung với người làm công ăn lương, từ chuyên viên cấp cao đến công nhân viên chức, nghe tăng là thấy “khoái” rồi. Đó là yếu tố tâm lý, sẽ giúp kích thích tiêu thụ trong thời gian tới”, anh H.T nói.
Đáng lưu ý, khảo sát cho thấy giá cả nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm trên thị trường so với cùng kỳ năm ngoái đang giảm mạnh. Chẳng hạn, các loại rau như xà lách, cải xoong, cải xanh nay giảm khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái, các mặt hàng gia vị cũng giảm 10 – 20%. Giá thịt heo bán lẻ giảm hơn 16% từ 180.000 đồng/kg xuống 150.000 đồng/kg thịt heo ba chỉ; trứng gà công nghiệp giảm từ 40.000 đồng/chục xuống 30.000 đồng/chục; bắp cải giảm từ 35 – 40%, trung bình từ 50.000 đồng/kg, nay xuống 30.000 – 35.000 đồng/kg… Đặc biệt, so thời điểm tháng 6.2022, giá xăng hiện tại đã giảm đến 33%, từ hơn 32.000 đồng/lít xuống 22.000 đồng/lít; dầu diesel giảm 39%, từ 30.000 đồng/lít xuống hơn 18.000 đồng/lít; gas thấp hơn 16,6%.
Anh Phạm V.Việt (ngụ Thừa Thiên-Huế), chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa, cho biết nhờ giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải đã giảm hơn 5% so đầu năm nay, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm từ 15 – 25%.
Bà Hoàng Thị Kim Phượng (ngụ Q.11, TP.HCM), cán bộ ngành thuế đã nghỉ hưu kiêm “chuyên gia nội trợ, đi chợ mỗi ngày”, cũng có chung nhận xét giá hàng hóa hiện tại so cùng thời điểm năm ngoái có giảm, nhất là rau củ quả, thịt cá trong chợ. “Nhưng giá tô phở, đĩa mì tại quán không thấy giảm. Vận hành của thị trường hàng quán còn chậm lắm, giá đầu vào giảm nhiều nhưng giá bán tô phở tăng trước tết thêm 5.000 đồng, lên 45.000 đồng, ra tết vẫn để yên mức đấy. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái là 35.000 đồng/tô. Nhưng đúng là chưa bao giờ trước thời điểm tăng lương cơ bản mà giá hàng hóa tiêu dùng giảm như hiện nay. Hy vọng đà giảm này duy trì đến cuối năm để người làm công ăn lương đỡ vất vả. Trong thực tế, xăng dầu đã giảm cả năm qua, giá hàng hóa có giảm nhưng chưa tương xứng”, bà Phượng nói.
“Lạm phát có khả năng rình rập”
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng mục tiêu của việc tăng lương cơ sở là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế có hiệu quả, chỉ số tiêu dùng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc tăng nhanh hơn mức tăng của lương. “Nhưng theo đánh giá của chúng tôi, lạm phát năm nay sẽ khó tăng, trong mức 3,5 – 3,8%, trong mức Quốc hội và Chính phủ đã đề ra”, ông Thịnh dự báo.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế)
Chuyên gia này phân tích: Lạm phát giảm mặc dù tăng lương nhờ việc giảm thuế GTGT khiến mặt bằng giá hàng hóa thiết yếu đi xuống. Nhìn chung giá cả giảm 1,5 – 1,7% so với thời gian trước, đây là yếu tố góp phần giảm lạm phát. Bên cạnh đó, tăng lương, giảm thuế để kích cầu trong lúc này là rất tốt cho những công ty xuất khẩu đang gặp khó khăn ở thị trường nước ngoài, có cơ hội quay lại trong nước tốt hơn. Quan sát cho thấy các thị trường xuất khẩu chủ yếu trong tháng 5 đến tháng 6 có lượng đơn hàng tăng tốt hơn. Như vậy, khả năng xuất khẩu được đẩy mạnh hơn trong 2 quý cuối năm. Thông tin cũng cho thấy một số doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu vào nhiều quốc gia đang tăng đơn hàng đáng kể trong 2 tháng qua.
“Như vậy, việc sản xuất tăng, thu nhập tăng, cộng thu nhập mới tăng… sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước tăng. Áp lực lạm phát đáng lưu ý, nhưng giá cả thế giới trong thời gian qua không tăng nữa, thậm chí nhiều mặt hàng đang giảm nhiều so với năm ngoái; giá xăng dầu thế giới có biến động cũng trong phạm vi có thể kiểm soát được, nên không đáng lo ngại. Điều chúng ra rất quan tâm là các cơ quan quản lý có kinh nghiệm trong quản lý giá hàng hóa trên thị trường trong thời gian qua, cần theo dõi thường xuyên và sát sao hơn, thấy dấu hiệu lương tăng 1 mà giá tăng 2 thì cảnh báo ngay”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế) dự báo sẽ có một mặt bằng giá hàng hóa và tiền công mới được hình thành bởi tăng tiền thu nhập, giảm thuế thì chắc chắn chi tiêu sẽ tăng. Đó cũng là mục đích của các nhà làm chính sách kích cầu 6 tháng cuối năm và đây là chính sách rất kịp thời và đáng ghi nhận. Mặt khác, theo chuyên gia, hiện lãi suất cho vay cũng đang bắt đầu giảm, kỳ vọng chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm trong 2 quý cuối năm. Doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn trong chi phí đầu vào, giúp giá thành hàng hóa sản xuất ổn định hơn. Cộng thêm chi tiêu dùng được dự báo sẽ tăng là tác động kép cho tổng cầu. Mặt khác, “nguy cơ tăng giá do tăng cung tiền trong lưu thông khi tiền chảy ra khỏi ngân hàng, lương tăng đẩy thêm tiền ra lưu thông tăng. Lạm phát có khả năng rình rập đấy. Thế nên, nhất thiết cần những công cụ kiểm soát lạm phát sẵn sàng ứng phó kịp thời trong quý 4 năm nay”, TS Lạng khuyến cáo.