Ảnh minh họa. |
(PLVN) – Trong ký ức của nhiều người, thì Nhơn Trạch – vùng đất nằm ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, hạ nguồn sông và giáp biển, giao thông đi lại cách trở, từng là vùng đất rất nghèo khó.
Khi tái thành lập năm 1994 với diện tích tự nhiên 41.089ha, dân số 101.882 người, Nhơn Trạch là huyện nông nghiệp lạc hậu, hạ tầng yếu kém, 80% dân số sống bằng nghề nông độc canh cây lúa tập quán canh tác thủ công, hệ thống đường sá 90% cấp phối sỏi đỏ, vô số cầu khỉ và có nơi còn cách biệt khu vực xung quanh hoang hóa, chưa có bệnh viện, tỷ lệ hộ đói nghèo lên đến 27,6%…
Nhơn Trạch ngày nay đã hoàn toàn lột xác, trở thành một đô thị hiện đại với hàng loạt khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thu hút hàng trăm ngàn lao động từ khắp các vùng miền, tỉnh, thành. Hàng loạt dự án bất động sản đã và đang hình thành với đầy đủ tiện ích, tiện nghi. Hệ thống giao thông hiện đại, nhiều tuyến đường rộng thênh thang nhiều làn xe, có các tuyến giao thông kết nối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cầu đường kết nối cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Kết nối với TP HCM bằng cầu Nhơn Trạch đang xây dựng và cầu Cát Lái đang trong các bước triển khai xây dựng, Nhơn Trạch đã không chỉ là một đô thị phát triển của Đồng Nai, mà còn là một đô thị vệ tinh của TP HCM. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, Nhơn Trạch đã là một thị trường bất động sản sôi động, thu hút các nhà đầu tư nhiều tỉnh, thành, là nơi “đất lành chim đậu” của nhiều người dân và các chuyên gia nước ngoài trong các nhà máy trong khu vực. Nhiều người dân Nhơn Trạch đã trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh buôn bán, hoặc nhờ thị trường đất đai phát triển…
Sự phát triển kinh tế kéo theo việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các dịch vụ y tế, giáo dục và giải trí ngày càng được cải thiện. Hệ thống trường học, bệnh viện và các khu vui chơi, giải trí được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Sự phát triển có thể nói “thần kỳ” của Nhơn Trạch đến từ nhiều yếu tố: Sự quy hoạch, chỉ đạo đúng đắn, hợp lý của Chính phủ và tỉnh Đồng Nai; sự cố gắng của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và người dân địa phương; vị trí địa lý ngày nay trở thành đắc địa khi là cầu nối quan trọng giữa các tỉnh miền Đông Nam Bộ với TP HCM… Và một yếu tố cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, là hiệu quả của đầu tư công. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội đã được Nhà nước đầu tư với nguồn kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh kết nối Nhơn Trạch với các khu vực lân cận.
Có thể kể một ví dụ cụ thể, như dự án cầu Cát Lái kết nối Nhơn Trạch với quận 2 (TP HCM), đã không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giao thương trong khu vực, mà còn giúp bất động sản khu vực này giá trị hơn rất nhiều. Chứng minh như vậy để thấy rõ đồng vốn đầu tư công tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội không chỉ giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng phúc lợi xã hội; mà còn mang đến những giá trị khác tưởng như “vô hình” nhưng lại vô cùng hiệu quả, vô cùng thực tế.
Nguồn: https://baophapluat.vn/suc-manh-dau-tu-cong-post519319.html