Tiến sĩ lịch sử, Phó Giáo sư quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao Nga Petr Tsvetov đề cao vai trò tiên quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đời sống xã hội và nhân dân.
Tiến sĩ lịch sử, Phó Giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Nga Petr Tsvetov. |
Theo Tiến sĩ Tsvetov, ngay từ khi được thành lập cách đây 95 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành lực lượng tiên phong của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định vận mệnh của nhân dân Việt Nam ở nhiều giai đoạn khác nhau: năm 1945 là thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp đến cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và chủ quyền, chống lại xâm lược nước ngoài.
Học giả Nga đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực sáng tạo, trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam mới sau chiến tranh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp cận rất sáng tạo vấn đề xây dựng xã hội mới, bước phát triển tiếp theo của Việt Nam sau chiến tranh, trước hết là giai đoạn 1976-1986 - thời kỳ tìm kiếm con đường phát triển.
Đảng đã chọn đúng con đường bảo đảm đạt được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực kinh tế, phát triển xã hội, quan hệ quốc tế như hiện nay. Việt Nam hiện là một quốc gia có tiềm năng kinh tế tăng trưởng đáng kể và lọt vào top 30 nền kinh tế mạnh nhất. Về chính trị, Việt Nam có uy tín lớn, được tôn trọng trên toàn thế giới, kể cả các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Mỹ. Tất cả những thành tựu này có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam đều do có sự lãnh đạo tuyệt đối, đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam", Tiến sĩ Tsvetov nhấn mạnh.
Vị học giả Nga cũng chỉ ra niềm tự hào khi những người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã học tập tại Moscow. Vào đầu những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nước Nga Xô Viết. Một nhóm các nhà cách mạng của Việt Nam đã đến đây để học tập tại các trường của Quốc tế cộng sản.
Nhờ nghiên cứu lý luận và thực tiễn của Đảng Công nhân dân chủ xã hội (Bolshevik) và phong trào cộng sản nói chung trên thế giới, có thể nói chính tại Moscow, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chín muồi lựa chọn giải phóng dân tộc cho cách mạng Việt Nam. Người đã nói rằng, việc giành độc lập dân tộc của Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh vì xã hội chủ nghĩa. Thời gian Người và các đồng chí (sau này cũng là những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam) Lê Hồng Phong, Trần Phú, học tập tại Moscow rất có ý nghĩa.
Tại Moscow, tại Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã được chú ý đến, được đánh giá là có thể lãnh đạo nhân dân Việt Nam và thậm chí còn hơn thế nữa, lãnh đạo cách mạng trên toàn bộ Bán đảo Đông Dương. Những người cộng sản Việt Nam đã không phụ niềm tin tưởng đó, họ đã thành lập Đảng Cộng sản vào năm 1930, và dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng tháng Tám thắng lợi để đến ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã tuyên bố Việt Nam độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo Tiến sĩ Tsvetov, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về vai trò của Đảng như một người tổ chức, xây dựng Đảng cũng giống như Đảng Bolshevik, trong đó đề cao vai trò của công tác tuyên truyền, vận động trong hoạt động, công tác dân vận để đoàn kết tất cả những người đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân ở Việt Nam. Những nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam đã có được bài học lớn về cách xây dựng Đảng và lãnh đạo nhân dân đi đến thắng lợi.
Và một điều quan trọng nữa, Hồ Chí Minh là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, nhưng Người nhận ra rằng mỗi quốc gia nên có một đảng cộng sản riêng hiểu rõ điều kiện của đất nước mình. Tiến sĩ Tsvetov lưu ý rằng, một trong những bài học chính trong hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam là đã vận dụng linh hoạt các phương pháp chiến thuật và chiến lược, có tính đến các đặc điểm dân tộc mình, trình độ của giai cấp công nhân, nông dân, không sao chép một cách máy móc để lựa chọn nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Năm 1941, Hồ Chí Minh thành lập Mặt trận Việt Minh, tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Đó là minh chứng về tính chất linh hoạt, chú trọng đến lợi ích quốc gia trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, đây là đặc điểm quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đánh giá về vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc Đổi mới đất nước hiện nay và trong quyết tâm tham nhũng, chủ trương tinh gọn bộ máy, học giả Nga nêu rõ, năm 1986 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận rằng, cần phải sử dụng đòn bẩy của nền kinh tế thị trường để phát triển đất nước, để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân, một mục tiêu mà Đảng luôn đặt ra trong tất cả các đường lối của mình. Đây là một cách tiếp cận mang tính cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngại mở cửa cho nguồn vốn tư nhân và đã thay đổi được đời sống của người dân, nâng cao trình độ phát triển của cả nước.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay không chỉ có tốc độ phát triển cao mà còn tích lũy được tiềm năng kinh tế to lớn. Ngày nay mọi người dân cũng như nước ngoài đều có thể tận mắt nhìn thấy mức độ phát triển của đất nước, đời sống thịnh vượng của người dân. Đường lối đổi mới cho phép mọi thành phần kinh tế phát triển của Đảng là đường lối đúng đắn và được khẳng định qua những thành công này.
Vừa qua, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tuyên bố Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là tuyên bố có cơ sở, dựa trên trước hết là sự tham gia của toàn dân tộc Việt Nam vào việc vươn tới những tầm cao mới - trong sản xuất, khoa học và kỹ thuật. Việt Nam đã bắt kịp thời đại, chú trọng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đưa ra những quyết sách liên quan đến số hóa toàn bộ nền kinh tế, toàn bộ đời sống xã hội.
Tiến sĩ Tsvetov lưu ý những điểm rất quan trọng trong lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước hết là cải cách hành chính, bao gồm việc tinh giản bộ máy nhà nước, giảm số lượng các bộ, thứ hai là cuộc chiến chống tham nhũng, những định hướng này rất quan trọng thể hiện quyết tâm của Đảng. Dù rất khó khăn, phức tạp nhưng Đảng đã ý thức rằng phải đấu tranh, vì tham nhũng là một tệ nạn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến các quyết sách phát triển kinh tế.
Theo học giả Nga, Việt Nam đang bước vào giai đoạn đột phá mới. Nhiệm vụ đã được lãnh đạo Đảng đặt ra và điều quan trọng tới đây là những cải cách, biện pháp này phải được thực hiện ở cấp độ hiện đại. Ngoài khía cạnh tổ chức, Việt Nam phải có trình độ phát triển khoa học - công nghệ phù hợp, phải đào tạo đội ngũ nhân sự mới nắm vững công nghệ, hiểu cách sử dụng và năng lực của công nghệ.
Việt Nam cũng cần nguồn nhân lực chất lượng mới này trong quá trình tiếp thu công nghệ, đặc biệt là từ các nước phát triển. Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng miền của Việt Nam cũng là vấn đề cần giải quyết. Thứ ba là tình hình quốc tế, hiện tại không thực sự ổn định và cải cách sẽ hiệu quả hơn trong môi trường hòa bình.
Tiến sĩ Tsvetov nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ không chỉ là một tổ chức lãnh đạo giàu kinh nghiệm, được thử thách mà quan trọng nhất là trên chặng đường 95 năm lãnh đạo đất nước và phong trào toàn dân tộc, Đảng không để xảy ra sai lầm lớn nào. Trong những giai đoạn và sự kiện kịch tính nhất của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: năm 1945 tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1954 chiến thắng thực dân Pháp và năm 1975 chiến thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Tất cả những điều này đã củng cố uy tín của Đảng.
Điều đáng nói là đại đa số người dân thấy rằng Đảng không ngừng vận động, Đảng luôn nghiên cứu và thay đổi phương pháp và chiến thuật. Đường lối chung và mục tiêu cuối cùng luôn được khẳng định, nhưng Đảng rất tích cực thích ứng với những thay đổi trong và ngoài nước, tận dụng những thời cơ thuận lợi để phát triển đất nước. Sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên cách tiếp cận sáng tạo trong giải quyết vấn đề và trên thực tế là Đảng đã luôn đem lại chiến thắng cho đất nước, dân tộc.
Nguồn
Bình luận (0)