Thông tin cơ sở (TTCS) là hoạt động truyền thông đặc sắc riêng có của Việt Nam, là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, sử dụng các loại hình thông tin từ đơn giản như tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, đến các loại hình thông tin hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng để phổ biến, cung cấp thông tin sát với nhu cầu và văn hoá của người dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Thông tin cơ sở khác với báo chí là gần dân hơn, dùng người nhiều hơn, trực tiếp là chính, là một lực lượng quan trọng, họ ở tuyến cuối của hoạt động truyền thông. Đây là lực lượng tạo nên sức mạnh bởi sự linh hoạt và khả năng thích ứng trong mọi tình huống, phù hợp với thực tiễn và văn hoá của từng cơ sở. Với nhiều cách thức tuyên truyền khác nhau, sức mạnh của thông tin cơ sở là đến từng người, từng hộ dân, tạo nên khác biệt căn bản của thông tin cơ sở với các hình thức truyền thông khác.
Đặc trưng của hoạt động thông tin cơ sở ngày nay là vừa phân tán, vừa tập trung. Phân tán là hoạt động của hơn 5 nghìn người làm việc ở các cơ sở truyền thanh – truyền hình huyện, quận, thị xã, thành phố; hơn 10 nghìn người phụ trách đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; hơn 200 nghìn người làm tuyên truyền viên cơ sở ở thôn, bản, tổ dân phố. Tập trung là sử dụng công nghệ để kết nối hệ thống phát thanh cấp xã thành một kênh phát thanh thống nhất toàn quốc, có thể phát tin cùng lúc tới hàng trăm triệu người Việt Nam. Tập trung là sử dụng công nghệ để quản lý, giám sát trực tuyến mạng lưới thông tin cơ sở, nhìn thấy được, đánh giá được hiệu quả hoạt động trên từng địa bàn tỉnh, thành và toàn quốc, thông qua thiết lập hệ thống thông tin nguồn của thông tin cơ sở ở Trung ương và tỉnh, thành phố.
Thực tế cho thấy trong các đợt phòng, chống đại dịch Covid-19 những năm vừa qua, và gần đây là cơn bão số 3 Yagi, những người làm công tác thông tin cơ sở đã không quản ngày đêm khó khăn, vất vả, bằng tiếng nói của người địa phương mộc mạc, gần gũi trên hệ thống truyền thanh, đã truyền đi những thông điệp về phòng, chống dịch bệnh, thông tin khẩn cấp về bão, lũ, ngập lụt. Họ đã lặn lội “đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” theo phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” để tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, cùng tham gia với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề dân sinh ở cơ sở.
Những người làm công tác thông tin cơ sở mặc dù phải kiêm nhiệm nhiều việc, hoạt động không chuyên trách, chế độ phụ cấp, thù lao còn hạn hẹp, nhưng các bác, các anh, các chị với lòng nhiệt huyết, đã không quản ngại khó khăn, vất vả, say mê với công việc để luôn làm tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bộ TT&TT có trách nhiệm liên kết đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở thành sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, để cấp ủy đảng, chính quyền thấy được lực lượng của mình, thấy được vai trò của thông tin cơ sở, hiệu quả mà thông tin cơ sở mang lại cho chính quyền, cho người dân địa phương.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của truyền thông, có một chiếc điện thoại thông minh là chúng ta có thể biết được cả thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ dù có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ cho thông tin cơ sở phát triển nhanh hơn, nhưng AI không thể truyền được cảm hứng, không thể nói thay được giọng nói mộc mạc, giàu cảm xúc của các bác, các anh, các chị khi tuyên truyền, vận động người dân, vì các bác, các anh, chị được chính quyền địa phương lựa chọn, được người dân địa phương tin cậy. Càng trực tuyến bao nhiêu thì nhu cầu trực tiếp của con người càng lớn bấy nhiêu. Gần dân, trực tiếp chính là sức mạnh cốt yếu nhất của TTCS khi toàn bộ xã hội đang mạnh mẽ chuyển lên môi trường số.
Năm 2024 là năm đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh những tập thể và cá nhân điển hình toàn quốc có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin cơ sở. Đây là hoạt động thiết thực và vô cùng ý nghĩa để ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân xuất sắc, cổ vũ, động viên kịp thời và phổ biến, nhân rộng gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước của ngành Thông tin và Truyền thông. Đây là lần đầu tiên những người làm công tác TTCS trên toàn quốc có cơ hội được gặp nhau ở một hội nghị toàn quốc. Và từ nay, việc này sẽ được tổ chức thường niên.
Tại Hội nghị hôm nay, 120 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm nghìn người làm công tác thông tin cơ sở trên khắp các vùng, miền của đất nước. Những điển hình tiên tiến dù là tập thể hay cá nhân, lứa tuổi khác nhau, công việc khác nhau nhưng tất cả đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm và tâm huyết với công việc, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng được cống hiến vì cộng đồng, vì đất nước.
Tôi tin chắc rằng còn rất nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu đang ngày đêm tận tụy đóng góp công sức, trí tuệ cho hoạt động thông tin cơ sở, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân và cộng đồng, dù họ không có mặt tại Hội nghị trọng thể hôm nay, nhưng họ xứng đáng được biểu dương, tôn vinh vì những đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước.
Đồng hành cùng với những người làm công tác thông tin cơ sở trong những năm qua, có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp viễn thông trong nước vào việc chuyển đổi số, hiện đại hóa thông tin cơ sở, thúc đẩy sự phát triển của thông tin cơ sở. Một CSDL tập trung, một bộ công cụ làm việc số, một trợ lý ảo hỗ trợ làm công tác TTCS phải là ưu tiên hàng đầu của lĩnh vực TTCS.
Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản cũng là người hỗ trợ đắc lực về công nghệ số cho những người làm công tác TTCS. Càng trực tiếp bao nhiêu thì cũng càng cần hỗ trợ của công nghệ số bấy nhiêu. Công nghệ số là để tăng thêm quyền năng cho mỗi con người, giúp con người làm tốt hơn những công việc mà mình đang làm.
Một lần nữa thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở có mặt tại Hội nghị trọng thể hôm nay.
Đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, vận hội, song cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức để tiến vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Ngành Thông tin và Truyền thông có sứ mệnh lớn lao tạo ra đôi cánh cho Việt Nam bay lên, với một bên là sức mạnh vật chất được tạo nên bởi công nghệ số; và một bên là sức mạnh tinh thần – báo chí, truyền thông, có vai trò quan trọng của thông tin cơ sở để khơi dậy khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội.
Phát huy vai trò, thế mạnh của thông tin cơ sở là kênh truyền thông tiếp cận toàn dân, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới và Nghị định số 49/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở, coi thông tin cơ sở là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Nghị định 49 năm 2024 là cơ sở pháp lý nhà nước đầu tiên của lĩnh vực TTCS, mở ra một trang mới cho TTCS. Từ nay, trong lĩnh vực truyền thông, TTCS đã có địa vị pháp lý đứng bên cạnh báo chí, xuất bản. Trước đây, khi nói đến lĩnh vực truyền thông, chúng ta chỉ nói báo chí, xuất bản thì nay là báo chí, xuất bản và TTCS. Tôi rất mong những người làm TTCS hãy tự hào về điều này.
Những người làm công tác thông tin cơ sở trong cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng, cho đất nước, để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thấy được vai trò và đóng góp thực sự của thông tin cơ sở vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, dành nguồn lực và những điều kiện thuận lợi cho thông tin cơ sở phát triển.
Các Sở TT&TT cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện, đề xuất khen thưởng, biểu dương, tôn vinh cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin cơ sở ở địa phương. Quan tâm khen thưởng những tập thể, cá nhân ở vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những người hoạt động thông tin cơ sở ở thôn, bản, tổ dân phố.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước trong ngành Thông tin và Truyền thông, các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động thông tin cơ sở, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng cho những người làm công tác thông tin cơ sở, lấy gương người tốt, việc tốt để phổ biến, nhân rộng trong cộng đồng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/suc-manh-cot-yeu-nhat-cua-thong-tin-co-so-la-gan-dan-truc-tiep-2330852.html