Kế thừa truyền thống vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua (18/11/1930-18/11/2024), với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân thông qua các phong trào, các cuộc vận động là một trong những cách thức mà MTTQ Việt Nam đã thực hiện rất hiệu quả trong những năm qua. Mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh, lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam trở thành lời hiệu triệu khơi dậy, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta. Những hình ảnh, hiện vật mà Bảo tàng MTTQ Việt Nam sưu tầm, lưu giữ được đã góp phần phản ánh, minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ từ lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam.
Đó là lá đơn của cụ Đào Thị Huê, 87 tuổi (ở Quảng Ngãi) tình nguyện hiến tặng đôi bông tai bằng vàng và số tiền cụ tiết kiệm được để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19; đơn tình nguyện đóng góp chung tay cùng Đảng, Chính phủ, MTTQ Việt Nam đánh tan “giặc” Covid-19 của cụ Nguyễn Bá Tài, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội.
Bức ảnh cậu bé Hồ Ánh Khiết, 8 tuổi (người dân tộc Ca Dong) trưng bày tại Bảo tàng đã gây xúc động cho khách tham quan. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), cậu bé Hồ Ánh Khiết đã theo người lớn vào rừng hái rau rừng, thu hoạch nông sản, đầu trần, chân đất vác cây măng rừng đi bộ hơn 30 phút đến điểm tập kết để ủng hộ cho đồng bào miền xuôi bị cách ly. Cậu bé Phan Anh Khôi, học sinh Trường Tiểu học Trung Tự (Hà Nội) nhờ bố đưa đến trụ sở UBTƯ MTTQ Việt Nam mang theo con lợn đất đựng tiền mừng tuổi, tiền ăn sáng mà em dành dụm được bấy lâu. Cậu bé đã đập lợn để lấy toàn bộ số tiền dành dụm được là 4.700.000 đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19. Những mảnh vỡ của con lợn đất nghĩa tình ấy đã được Bảo tàng lưu giữ để kể lại câu chuyện về những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp trong đại dịch.
Nhiều hình ảnh, hiện vật về sự ủng hộ, đóng góp cho Quỹ “Vì người nghèo”, trong đó có lá thư viết tay của cụ Vũ Hữu Hưu, 94 tuổi (trú tại thôn La Mát, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Cụ đã dành khoản tiết kiệm được 100 triệu đồng từ nguồn trợ cấp người cao tuổi hàng tháng với mong muốn giúp đỡ nhiều hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trước những hậu quả nặng nề do siêu bão Yagi (bão số 3) gây ra, ngày 10/9/2024, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại. Lời kêu gọi đã chạm đến triệu triệu con tim để rồi được hiện thực hóa bằng những hành động, việc làm thiết thực. Hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ đã được gửi đến Quỹ cứu trợ Trung ương. Người dân ở nhiều địa phương trong cả nước đã thức thâu đêm gói, nấu bánh chưng, làm mắm tép, ruốc bông, muối vừng, gom nước uống, áo phao cứu sinh, đèn pin… Nhiều người dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” chia sớt với đồng bào trong hoạn nạn. Những chuyến xe cứu trợ, những đoàn thiện nguyện không quản mưa lũ, đường sá xa xôi, băng đèo, vượt suối mang theo nhu yếu phẩm và trọn vẹn tấm lòng thấu cảm, yêu thương, trông ngóng của đồng bào cả nước sưởi ấm, tiếp sức cho người dân vùng bão lũ vững tin, kiên cường vượt qua những gian khó, đau thương, mất mát, hướng tới ngày mai tốt đẹp.
Xúc động biết bao khi đọc những lá thư, lời nhắn gửi, những tấm thiệp ngộ nghĩnh đủ màu sắc chan chứa yêu thương của các bạn trẻ, các em học sinh gửi tới đồng bào vùng bão lũ đã được Bảo tàng sưu tầm và lưu giữ. Trong đó, có lá thư viết tay bằng mực tím của em Ngô Trí Hiếu, học sinh lớp 2A1 (Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội): Qua xem thời sự hàng ngày trên ti vi, con thấy đồng bào và các bạn nhỏ như con phải vật lộn với bão lũ, con rất chia sẻ, con cầu mong cho bão lũ qua đi để đồng bào và các bạn nhỏ được trở lại cuộc sống bình thường. Con có một chút phần thưởng của cuộc thi Olympic toán học quốc tế TIMO (500.000 đồng + vở viết), con nhờ các cô, các chú gửi tặng các bạn nhỏ ở vùng lũ lụt để các bạn có sách, vở để đi học tiếp”.
Lá thư của Cộng đồng người hâm mộ Hanbin – Ngô Ngọc Hưng gửi UBTƯ MTTQ Việt Nam với những lời chia sẻ cảm động: Thương lắm đồng bào mình, thương lắm các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm cố gắng vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chúng em tin tưởng rằng tinh thần đoàn kết quật cường của người Việt Nam sẽ chiến thắng tất cả. Bắc – Trung – Nam một nhà, không phân biệt già trẻ, lớn bé, không phân biệt giàu nghèo, nhân dân Việt Nam đủ mọi tầng lớp đều một lòng hướng về hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng. Đó là truyền thống tốt đẹp, là niềm tự hào của người Việt. Hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ, chúng em cũng chung tay góp một phần nhỏ, mong rằng có thể giúp đồng bào vơi đi phần nào khó khăn. Chúng em tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin rằng với tinh thần đoàn kết, yêu thương, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta thì không có khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua. Sau những đau thương mất mát, Việt Nam sẽ lại vươn mình trỗi dậy. Thế hệ trẻ chúng em cũng sẽ chung tay xây dựng đất nước ta giàu mạnh, hùng cường. Dù ở bất cứ đâu, mãi tự hào dòng máu Việt chảy trong mình…”.
Tất cả đã minh chứng cho chân lý giản dị nhưng vĩ đại của dân tộc ta: mỗi khi gặp gian nan, thử thách, nhân dân ta hơn bao giờ hết lại đoàn kết, thương yêu, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau. Lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam trong những khi đất nước có biến cố đã góp phần quan trọng trong việc khơi dậy, khích lệ, tập hợp, quy tụ những tấm lòng tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần cố kết cộng đồng trong mỗi người dân Việt Nam, nhân lên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc.
Nguồn: https://daidoanket.vn/suc-lan-toa-tu-loi-keu-goi-cua-mat-tran-10294695.html