Trong bối cảnh bị tác động nặng nề sau đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, chăm lo sức khỏe người lao động (NLĐ), phòng chống bệnh nghề nghệp. Tuy nhiên trên thực tế, công tác này vẫn chưa được nhiều chủ sử dụng lao động quan tâm thường xuyên, đúng mức.
Người lao động Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN Việt Nam - Singapore II) được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc
Khám sức khỏe định kỳ
Sức khỏe của NLĐ là một trong những yếu tố quyết định, tạo ra giá trị vật chất của doanh nghiệp (DN). Ông Hồ Mừng Dũng, Trưởng phòng nhân sự Công ty Cổ phần Omexey Home Furnishing Việt Nam (phường Tân Hiệp, TP.Tân Uyên), cho biết: “Công ty chuyên sản xuất gỗ nội thất, 100% vốn đầu tư Đài Loan với hơn 900 công nhân lao động. Công ty xác định sức khỏe NLĐ là tài sản, vốn quý của DN nên hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp. Qua tổ chức khám sức khỏe, nếu phát hiện NLĐ có bệnh thì chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, người nào sức khỏe không bảo đảm với vị trí việc làm hiện tại sẽ được điều chuyển sang bộ phận khác làm việc phù hợp với sức khỏe. Công ty trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Nhà ăn và suất ăn bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Tại Công ty TNHH Chí Hùng (TP.Tân Uyên), Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh vừa phối hợp với Ban giám đốc công ty tổ chức tầm soát ung thư cổ tử cung cho lao động nữ. Chị Trần Thúy Bình, công nhân tổ đế, cho biết: “Hàng năm, công ty cho lao động nữ khám, tư vấn sức khỏe miễn phí. Chúng tôi được các bác sĩ khám sản phụ khoa, khám lâm sàng phát hiện sớm ung thư, siêu âm tổng quát và được tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Với công nhân như chúng em, những buổi thăm khám, tầm soát này rất có ý nghĩa, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa biết được tình trạng sức khỏe bản thân để yên tâm làm việc”.
Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong năm qua, hội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tầm soát ung thư cổ tử cung cho 15.300 NLĐ. Kết quả, đã phát hiện 65 ca bất thường, chuyển Bệnh viện Từ Dũ 31 ca, trong đó có 4 ca rất nặng (huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng, huyện Bắc Tân Uyên và Công ty TNHH Chí Hùng) đã và đang điều trị. Những trường hợp nhẹ nhưng thuộc nhóm có nguy cơ đang được tiếp tục theo dõi, xét nghiệm lại theo phác đồ.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức
Thống kê hàng năm, số lượng các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ không ngừng tăng lên. Trong đó, đa phần DN lớn, có đông lao động thực hiện tốt các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Ngược lại, các DN nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; chưa quan tâm đúng mức đến công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Vẫn còn tình trạng NLĐ làm việc trong môi trường, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không bảo đảm, không được nghỉ ngơi hợp lý. Một bộ phận NLĐ chưa hiểu rõ về các yếu tố, tác hại nghề nghiệp, còn chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc.
Đánh giá về điều kiện lao động của NLĐ trong các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Hiện đa số các đơn vị đều trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. Trong các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc đo, kiểm tra môi trường lao động được thực hiện để thu thập, phân tích, đánh giá các yếu tố môi trường trong lao động tại nơi làm việc làm căn cứ đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động tại một số đơn vị sản xuất cho thấy tiêu chuẩn hơi khí độc, bụi, ánh sáng cơ bản trong tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên trên thực tế, công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ cũng chưa được nhiều chủ sử dụng lao động trong tỉnh quan tâm thường xuyên”.
“Để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, ngành y tế tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, chính sách chăm sóc sức khỏe NLĐ. Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, hướng dẫn NLĐ phòng tránh bệnh nghề nghiệp, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Mỗi NLĐ cần có kiến thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và có yêu cầu chính đáng khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp”. (Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
HOÀNG LINH - N.TRÃI
Source link
Bình luận (0)