MV xoay quanh cuộc đời, thân phận của một tỳ nữ trong cung cấm thời phong kiến. Cô gái đấu tranh, vươn lên để sống và yêu như bao người rồi nhận kết cục cay đắng. Ý tưởng MV xuất phát từ giấc mơ của Yuni Boo cách đây 1 năm. Cô tỉnh dậy vẫn nhớ khá rõ các chi tiết nên viết câu chuyện vào ghi chú trên điện thoại. Khi Phúc Pin và Kaisoul gửi bản nháp “Cung nữ”, cô bất ngờ vì lời bài hát bám sát câu chuyện trong giấc mơ cũng như ấn tượng giai điệu buồn da diết nên quyết định quay MV.
Yuni Boo tên thật là Cabral Baongoc Yuni, sinh năm 1998 và lớn lên tại Mỹ. Cô có bố là người Mỹ, mẹ người Việt, hồi 12 tuổi từng về Việt Nam sống khoảng 5 năm. 9X hoạt động âm nhạc từ năm 2014, được người trẻ Việt Nam biết đến qua các sản phẩm như “Ép duyên” (45 triệu lượt xem), “Bạn tình ơi” (14 triệu lượt), “Không lấy chồng đâu” (8,8 triệu lượt), “Cưới luôn được không” (9,7 triệu lượt), “Đóa quỳnh lan” (20 triệu lượt)… Hiện tại, Yuni Boo định cư ở bang Arizona (Mỹ), dự định về Việt Nam trong tương lai. Dù công việc chính là kinh doanh, rapper vẫn xác định âm nhạc là đam mê không thể từ bỏ, muốn hoạt động lâu dài và phát hành nhiều sản phẩm âm nhạc mang màu sắc cá tính của mình.
MV “Cung nữ” của rapper Yuni Boo (trái) và ca sĩ Hương Ly (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cụm từ “à lôi” xuất hiện trong bài rap cùng tên của Double2T kết hợp với nhà sản xuất âm nhạc Masew. “À lôi” (hay à lôi nỏ) có nghĩa là “hả”, “trời ơi!”, bày tỏ sự bất ngờ trong ngôn ngữ của người Tày. Trước đó, cụm từ này xuất hiện trong một video trên mạng xã hội. Khi được đưa vào bài rap, cụm từ lạ lùng này lập tức gây chú ý vì chưa từng xuất hiện trong các sản phẩm âm nhạc trước đây. “À lôi” còn xuất hiện ngay câu rap đầu tiên, nên càng gây tò mò. Thế nhưng, đây không phải là yếu tố duy nhất tạo nên sự thành công cho sản phẩm này. Trong phần bình luận, nhiều khán giả cho biết những giai điệu của ca khúc khiến họ muốn tìm hiểu hơn về các dân tộc, văn hóa miền núi và thấy yêu hơn quê hương Việt Nam.
Việc nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay tìm đến cội nguồn trong các sáng tác của mình là tín hiệu đáng mừng. Vài năm gần đây cũng đã có không ít ca sĩ trẻ dấn thân vào dòng nhạc này như Hoàng Thùy Linh, Quách Mai Thy, Phùng Khánh Linh, Hồng Duyên, Hà Myo, Hòa Minzy… Nhiều sản phẩm âm nhạc truyền thống đã trở thành bản hit được yêu thích trên thị trường âm nhạc. Điển hình như MV “Thị Mầu” của Hòa Minzy – ca khúc đã giúp khán giả trẻ biết đến bộ môn chèo.
“Nền âm nhạc Việt Nam có chèo rất hay nhưng lại đang bị mai một dần. Hòa Minzy hy vọng sau khi xem MV “Thị Mầu”, khán giả sẽ thích và tìm hiểu nghệ thuật chèo, rộng hơn nữa là các loại hình nghệ thuật truyền thống” – Hòa Minzy đã từng bày tỏ.
Theo các nhà chuyên môn, việc kết hợp truyền thống và đương đại mang đến sự thú vị nhất định cho người nghe bên cạnh ý nghĩa về tinh thần tự hào dân tộc. Tất nhiên, làm một sản phẩm kết hợp truyền thống với đương đại như thế nào luôn là một bài toán khó. Song với sự yêu thích của khán giả dành cho các sản phẩm có yếu tố nghệ thuật truyền thống thì đây chắc chắn là con đường cần được khuyến khích và đề cao.
Một trong những giải pháp trọng tâm được nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong việc phát huy dòng chảy nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại là tăng cường việc giáo dục và truyền thông. Các đoàn nghệ thuật cần tăng cường các buổi giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng. Đây là một trong những phương pháp giáo dục và truyền thông hiệu quả giúp nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Khi xây dựng đủ nền tảng về âm nhạc truyền thống, chắc chắn người nghe cũng thấy hứng thú và người sáng tác cũng thêm phần phấn khích vì được đón nhận. Sự yêu thích của khán giả chính là cách để bảo tồn những giá trị truyền thống, đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/suc-hut-cua-nghe-thuat-truyen-thong-20230807212321322.htm