Theo đánh giá của giới chuyên gia, từ nay đến cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đáng quan ngại đối với nền kinh tế Việt Nam khi mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ, trong khi nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang phát đi những tín hiệu tích cực.
Sức ép lên tỷ giá vẫn còn nhưng không đáng quan ngại. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Tỷ giá hạ nhiệt
Sau giai đoạn tương đối ổn định, từ giữa tháng 6/2023 đến cuối tháng 10/2023, đồng VND phải chịu áp lực mất giá ngày càng lớn so với đồng bạc xanh của Mỹ do Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, trong khi lãi suất ở Việt Nam lại giảm khiến khoảng cách lãi suất giữa hai nước ngày càng nới rộng.
Đáng chú ý, trong tháng 10, tỷ giá đã biến động khá mạnh, có thời điểm tiệm cận gần 24.600 VND/USD, tăng gần 300 điểm so với thời điểm cuối tháng 9 và tăng 4,1% so với đầu năm.
Vào thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải sử dụng nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để giảm bớt áp lực tỷ giá thông qua việc phát hành tín phiếu để hút tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Vào cuối tháng 10, tỷ giá VND/USD đã hạ nhiệt khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu về việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất. Trong khi đó, các thông tin kinh tế vĩ mô tích cực của Việt Nam như giải ngân vốn FDI đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2018-2023, thặng dư thương mại cao kỷ lục, kiều hối tăng trưởng ổn định và áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến… cũng hỗ trợ đáng kể cho đồng VND.
Trong số các thông tin vĩ mô đáng chú ý, các thông tin về tình hình thu hút vốn FDI và cán cân thương mại đều rất tích cực. Cụ thể, lũy kế tháng 11 năm 2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong kỳ báo cáo, thặng dư thương mại của Việt Nam cũng tăng kỷ lục lên mức 25,83 tỷ USD.
Nhờ vậy, vào ngày 8/12, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước niêm yết đứng ở mức 23.951 VND/USD, giảm mạnh so với mức 24.065 VND/USD ngày 3/10, trong khi tỷ giá mua vào-bán ra ở các ngân hàng thương mại được niêm yết phổ biến ở mức 24.060-24.400 VND/USD.
Trong báo cáo “Cập nhật vĩ mô” công bố hôm 22/11, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết áp lực tỷ giá giảm bớt mở ra cơ hội cho NHNN bơm ròng số tiền đã hấp thụ trước đó trở lại thị trường thông qua kênh OMO. Trong tuần từ ngày 6/11 đến ngày 10/11, NHNN đã bơm ròng khoảng 50.000 tỷ đồng (2,1 tỷ USD) qua kênh OMO, qua đó giảm lượng dư nợ tín phiếu xuống gần 155.000 tỷ đồng (6,4 tỷ USD). Động thái này đã tạm thời xóa tan lo ngại trên thị trường về việc NHNN sẽ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ do áp lực tỷ giá.
Áp lực từ yếu tố mùa vụ
Theo đánh giá của đa số các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn. Nguyên nhân là do tỷ giá VND/USD không chỉ ảnh hưởng bởi quyết định về lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Đáng chú ý, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa gia tăng vào cuối năm sẽ khiến nhu cầu ngoại tệ tăng, từ đó tạo ra áp lực đáng kể lên tỷ giá.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, áp lực lên tỷ giá trong giai đoạn này chủ yếu xuất phát từ các yếu tố mùa vụ. Vì thế, năm 2023, tỷ giá không phải là vấn đề quan ngại đối với nền kinh tế. Vị chuyên gia này dự báo tính chung cả năm 2023, tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng từ 4-5% hoặc nhỉnh hơn một chút.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Techcombank. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Dự báo về biến động tỷ giá cuối năm, trong Báo cáo vĩ mô tháng 12/2023 công bố hôm 5/12, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: thặng dư thương mại 11 tháng năm 2023 đạt mức ấn tượng 25,8 tỷ USD, lượng kiều hối dự kiến đạt 14 tỷ USD trong năm 2023, FDI thực hiện trong 11 tháng đạt mức tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 20,2 tỷ USD…sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá vào cuối năm. MBS giữ nguyên dự báo tỷ giá VND/USD có thể giao động trong khoảng 24.300-24.500 VND/USD trong thời điểm cuối năm, với tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn đang được duy trì, đồng thời nhu cầu ngoại tệ tăng cao thường xảy ra trong giai đoạn cuối quý.
Ở một góc nhìn khác, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC nhận định tỷ giá VND/USD đang được kiểm soát tốt, và sẽ tiếp diễn trong xu hướng điều chỉnh cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Trong Báo cáo vĩ mô tháng 12/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC chỉ ra ba nhân tố quan trọng dẫn tới nhận định này, gồm: sức mạnh đồng USD trong pha điều chỉnh dài hạn, sức cầu nền kinh tế suy giảm dẫn đến nhu cầu USD cho nhập khẩu giảm; và nguồn cung kiều hối tăng vào cuối năm./.
Mai Hương