Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Có được thắng lợi vĩ đại ấy, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, ý chí quật cường bất khuất của con người và văn hóa Việt Nam; đồng thời, thắng lợi đó còn là đỉnh cao của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của cả một dân tộc anh hùng. Là thắng lợi của nền văn hoá Việt Nam được xây đắp từ nền văn hoá của 54 dân tộc anh em trên đất nước ta qua hàng ngàn năm lịch sử, được tôi luyện trong cuộc trường chinh đấu tranh cải tạo thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm, vươn lên tự khẳng định mình. Đó là nền văn hoá bắt nguồn từ lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước, yêu độc lập, tự do, hòa bình, từ lòng nhân ái trọng chính nghĩa, ghét gian tà, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lại biết tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn hoá của thế giới. Nền văn hoá ấy được bồi đắp và phát huy lên tầm cao mới, xây dựng và phát triển lên thành một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là sức mạnh vĩ đại của ý chí và trí tuệ Việt Nam, của bản lĩnh và nhân cách Việt Nam, của nền văn hiến Việt Nam.
Những thành tựu nổi bật của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” được bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân Việt Nam đã nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và cùng nhau thực hiện khát vọng ấy, là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, cũng là con đường thực hiện khát vọng Việt Nam. Vì vậy, không có thử thách nào là không thể vượt qua; không có nhiệm vụ nào là không thể hoàn thành.
Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và an ninh chính trị, lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đảng ta lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không chịu tụt hậu, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Khát vọng đó của dân tộc, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Phát huy chiến thắng 30/4, chúng ta cũng phát huy chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ngọn cờ chống tham nhũng do Đảng phát động và “người cầm lái” vững vàng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất cho cuộc chiến sinh tử để bảo vệ chế độ, giữ vững niềm tin trong nhân dân.
10 năm qua, kể từ khi chuyển đổi mô hình Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng từ Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu sang mô hình Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, nhân dân đã thấy một “diện mạo mới” trong công cuộc làm trong sạch đảng, trong sạch đội ngũ.
“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên…” hình ảnh sinh động, dân dã mà người đứng đầu Đảng ví von với công cuộc chống tham nhũng đã trở thành một câu nói phổ biến trong dân gian. Người ta ngóng chờ những bản kết luận công khai của Ủy ban kiểm tra Trung ương, rồi tự mình cũng có thể trả lời tới đây, “củi tươi”, “củi khô” nào sẽ bị đưa “vào lò”. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giờ đây không chỉ lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà đã thành phong trào, thành một xu thế. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được.
Đấu tranh chống tham nhũng mạnh thế, kỷ luật và truy tố nhiều cán bộ như thế, cảm xúc của nhân dân thế nào? Nhân dân có buồn không, có tâm tư, trăn trở không? Buồn lắm chứ, đau lắm chứ. Không ít vị cán bộ lão thành, cống hiến và hy sinh cả đời cho cách mạng đã phải gạt nước mắt khi nhắc đến những vụ việc nổi cộm, nhắc đến những cán bộ vi phạm cả pháp luật lẫn đạo lý, sẵn sàng kiếm chác trên nỗi đau khổ, bất hạnh của nhân dân. Nhưng trên hết, họ vẫn tin rằng, cuộc chiến chống “nội xâm” sẽ có kết quả tích cực, tin vào tài năng, bản lĩnh, phẩm cách, đạo đức của “người đốt lò”. Không liêm, không sạch thì trên bảo dưới không nghe. Không lấy bản thân mình, gia đình mình làm tấm gương thì sao “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được. Sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói” của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng chống tham nhũng.
10 năm qua, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mô hình chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu đã có thêm chức năng chống tiêu cực để đấu tranh và xử lý những kẻ quay lưng với Đảng, phai nhạt lý tưởng. Rồi cũng từ mô hình của Trung ương, tới đây, 63 tỉnh thành sẽ có mô hình tương tự để chỉ đạo rốt ráo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, tạo thành “cánh tay nối dài” để quét sạch những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất, từ cấp xã cho đến Trung ương. Nhân dân trông đợi và ủng hộ công cuộc “đốt lò” dù muôn vàn khó khăn, thử thách. Bây giờ không làm thì bao giờ làm. Chỉ có như vậy, đất nước mới phát triển bền vững!
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã tổng kết: “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Đảng chỉ rõ: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Lợi ích chính đáng của nhân dân phải là cơ sở để hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hôm nay, đất nước đã phải trải qua những ngày gian khó, hiểm nguy và cứ mỗi lần vượt qua thử thách chúng ta lại có thêm bài học lớn về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, nguyện chung ý chí kết đoàn để có những bước đi đầy đĩnh đạc hội nhập với thế giới, hút được những xung lực tích cực để giữ vững, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và phát triển kinh tế mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Sau 48 năm thống nhất đất nước, 36 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế thiếu hụt lớn sang một nền kinh tế quan hệ cung – cầu, tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn giữ ở mức rất cao, kể cả trong thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo… liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế.
Những thành tựu của ngày hôm nay có được bởi nhiều yếu tố cộng hưởng nhưng trên hết là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, luôn đặt Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Nhìn vào các chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng lên hàng năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dần qua từng thời điểm, hệ thống an sinh xã hội phát triển theo hướng toàn diện để “không ai bị bỏ lại phía sau”, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Có thể thấy, đây là những minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chỉ số hạnh phúc còn được đo lường thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội… Cũng bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin ấy, đất nước ta đang bước vào thời cơ, vận hội mới, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo, mở ra những cơ hội mới để tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh.
Những mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao đã thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng trong cụ thể hóa ý chí, khát vọng của dân tộc ta. Như có ý kiến đã chỉ ra, “Việt Nam năm 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó”. Tức là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là một khẩu hiệu suông mà chính là mục tiêu, động lực để tất cả chúng ta cùng nhau nỗ lực, phấn đấu.
Những nỗ lực ấy được nhân dân ghi nhận. Luồng gió mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, chuyện đã rõ như ban ngày, kỷ luật của Đảng ta ngày càng nghiêm minh, không có bất kỳ “vùng cấm” hay “vùng tránh” nào. “Lò lửa” chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm lửa đã và đang rừng rực cháy. Dân tin, Đảng nói đi đôi với làm! Con đường lớn chúng ta đang đi có ánh sáng ngàn năm rọi chiếu, có ánh sáng của thời đại mới, cùng bốn biển năm châu hội nhập. Bước đi nhanh hay chậm còn tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng lòng dân, sức dân là đôi cánh để dân tộc bay lên!