Xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, Tây Ninh thời gian qua đã tập trung nhiều giải pháp, nguồn lực để tạo sức bật mới cho ngành du lịch, đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Theo thống kê, năm 2023 du lịch Tây Ninh đã thu hút 5,1 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 102% so kế hoạch, tăng 13,2% so cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch cả năm ước đạt 2.000 tỉ đồng (kế hoạch 1.800 tỉ đồng), vượt 11,1%, tăng 36,5%. Lượng khách tham quan tăng đã thúc đẩy tăng trưởng các ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác.
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, năm 2023 tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển du lịch tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, góp phần lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận.
Sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2023 tổ chức thành công, góp phần đưa những tiềm năng, lợi thế đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, sản phẩm du lịch của Tây Ninh lan toả, tạo sức hút mạnh không chỉ trong nước mà đến du khách quốc tế… Từ đó, góp phần tạo dấu ấn và cơ hội liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
Trong khi đó, các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được chỉnh trang cơ sở vật chất và nâng cao dịch vụ, đảm bảo an ninh; nhiều sự kiện thể thao cấp quốc gia, khu vực được tỉnh đăng cai tổ chức, góp phần tạo sân chơi, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của tỉnh và thu hút lượng lớn khách du lịch đến Tây Ninh.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh cũng nhấn mạnh, một trong số đó chính là việc ký kết và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, bao gồm các công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển và liên kết sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Đặc biệt, hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư với các dự án trọng điểm để kết nối Tây Ninh với các tỉnh thành lớn như: cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh; đường kết nối ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương); đường ĐT.782 và ĐT.784; đường liên tuyến kết nối vùng N8 – ĐT.787B-ĐT.789, cầu An Hòa nối qua tỉnh Long An… Đặc biệt, xây dựng chương trình du lịch theo mô hình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ…
Bà Trần Thị Huy Hoàng cũng lý giải, mỗi địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ đều có thế mạnh, tiềm năng về sản phẩm du lịch khác nhau. Vì vậy việc liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ là một bước đi cần thiết để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xóa bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao, xứng tầm quốc gia và hướng tới nâng tầm quốc tế để làm nên “bàn đạp” cho du lịch từng địa phương phát triển, cũng chính là tạo nên các mắt xích bền vững, chất lượng cho sự liên kết phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ đạt hiệu quả cao hơn.
Trong khi đó, theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, doanh thu du lịch Tây Ninh sẽ đạt con số ấn tượng – 9.000 tỉ đồng; khách tham quan đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch tỉnh sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân du khách đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày.