Tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang xin ý kiến rộng rãi, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về kết nối đường sắt.
Sân bay công suất trên 30 triệu khách/năm, cảng biển loại 1 phải kết nối đường sắt
Theo đề xuất tại Dự thảo, cảng hàng không quốc tế có công suất từ 30 triệu hành khách/năm trở lên, cảng biển loại I trở lên và cảng cạn, cảng thủy nội địa có công suất từ 50.000 TEU/năm trở lên tại các tỉnh/thành phố có đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương đi qua phải có kết nối với đường sắt, để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Theo dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), cảng biển loại I trở lên và cảng cạn, cảng thủy nội địa có công suất từ 50.000 TEU/năm trở lên phải có kết nối đường sắt (Ảnh: minh họa).
Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, việc bổ sung quy định này nhằm cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Chính phủ về gom, giải tỏa hành khách, hàng hóa tại các cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thủy; đồng thời phù hợp với các quy hoạch hệ thống cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án xanh COP26, COP27.
Mặt khác, các báo cáo của Tổ chức Cảng biển Châu Âu (ESPO) và Ủy ban Châu Âu, Liên đoàn Cảng nội địa (EFIP) đã chỉ ra rằng: Hiệu quả của các cảng biển đặc biệt và cảng biển có nhu cầu vận tải lớn phụ thuộc vào khả năng tối ưu hóa kết nối giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt trên toàn bộ mạng lưới giao thông. Hiệu quả hoạt động đường sắt và các kết nối đến – đi từ các cảng là rất cần thiết để tối đa hóa việc sử dụng đường sắt như một phương thức vận tải bền vững.
Việc kết nối đường sắt với hệ thống cảng cạn nhằm tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế; kết nối cảng cạn xa với cảng biển; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.
Cùng đó, sửa đổi Luật lần này sẽ bổ sung quy định đường bộ vào ga là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, dùng chung cho cả doanh nghiệp, người dân và được Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bố trí kinh phí để xây dựng, cải tạo, nâng cấp và bảo trì.
Mục tiêu nhằm thống nhất quản lý đường bộ vào ga, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, người dân và các phương tiện vận tải tiếp cận thuận tiện tới ga đường sắt; huy động nguồn lực của địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải đường sắt.
Phân loại ga, nâng cao năng lực cho hoạt động vận tải quốc tế
Trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), ga đường sắt được quy định phân loại theo tính chất kết nối vận tải, trong khi Luật Đường sắt 2017 hiện hành mới phân loại theo công năng (ga hành khách, ga hàng hóa, ga kĩ thuật, ga hỗn hợp).
Theo đó, bổ sung quy định phân loại: Ga liên vận quốc tế là ga thực hiện các thủ tục thông quan toa xe, hàng hóa, hành khách vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Ga biên giới là ga thực hiện các chức năng của ga liên vận quốc tế và có chức năng thực hiện thủ tục giao tiếp đầu máy, toa xe với đường sắt của nước láng giềng.
Ga nội địa là ga thực hiện vận tải hàng hóa, hành khách, tác nghiệp kỹ thuật trong nước.
Ga Kép được phép tạm thời khai thác liên vận quốc tế hàng hóa bằng đường sắt.
Lý giải về việc bổ sung quy định này, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, thực tế từ năm 2020 đã có tình trạng ùn ứ hàng hóa làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu Đồng Đăng (ga biên giới). Do đó cần thiết phải có những ga liên vận quốc tế để giảm bớt một số thủ tục hải quan cho ga biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
Năm 2023, Bộ GTVT đã cho phép ga Kép (tỉnh Bắc Giang) được tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế để thực hiện một số thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý chi tiết, rõ ràng nên quá trình chuyển đổi ga Kép thành ga liên vận quốc tế mất nhiều thời gian, thủ tục, dẫn đến không phát huy được lợi thế và giảm năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt.
Tại dự thảo Luật cũng bổ sung quy định: Các đô thị đặc biệt và đô thị loại I có đường sắt quốc gia đi qua phải bố trí ga hành khách tại trung tâm đô thị hoặc vị trí thuận lợi để tiếp cận và kết nối các phương thức vận tải khác.
Theo Cục Đường sắt VN, cần thiết phải quy định vị trí ga hành khách của đường sắt quốc gia để làm cơ sở định hướng phát triển không gian đô thị.
Kinh nghiệm thực tế từ các nước phát triển cho thấy, số lượng hành khách do đường sắt quốc gia chuyên chở là rất lớn, việc đưa toàn bộ số lượng hành khách này vào trung tâm đô thị sẽ giảm tải rất nhiều cho việc di chuyển, tạo điều kiện thuận tiện trong việc kết nối giữa giao thông đường sắt với các phương thức vận tải khác.
“Cũng theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ga hành khách đường sắt quốc gia được đặt ở khu vực trung tâm của đô thị, nhờ đó hành khách có thể đi thẳng từ trung tâm ra vùng ngoại ô mà không phải chuyển tàu và không có hiện tượng tích tụ, dồn ứ một lượng lớn hành khách tại các ga trung chuyển giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Đây là giải pháp rất hiệu quả để giải quyết vấn đề giao thông đô thị hiện nay”, đại diện Cục Đường sắt VN cho hay.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/sua-quy-dinh-ket-noi-duong-sat-voi-san-bay-cang-bien-192241002222001303.htm