Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan.

Về phía Hà Nội có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. 

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đánh giá cao kết quả mà Hà Nội đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là đã khai thác tương đối hiệu quả các chính sách đặc thù quy định trong các nghị quyết của Quốc hội. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo thành phố có nhiều thay đổi. 

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu. 

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tăng trưởng GRDP cao; thu ngân sách thành phố vượt dự toán; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới đạt yêu cầu. 

Các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến việc đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, tiến độ triển khai xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các nội dung chính của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, tình hình trong nước có những thuận lợi, khó khăn đan xen, Hà Nội đã nỗ lực triển khai tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của Thành phố đạt kết quả khá toàn diện, quan trọng. 

Hà Nội đã sớm khống chế đại dịch Covid-19, sớm phục hồi phát triển kinh tế, xã hội với cách làm bài bản, đề ra 10 chương trình hành động. Công  tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là điểm sáng của Thủ đô. 

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự cuộc làm việc. 

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội tiếp tục rà soát các nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ, để có bước phát triển nhanh, đột phá hơn, rà soát khả năng hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong cả nhiệm kỳ; làm tốt hơn nữa vấn đề đầu tư công, tích cực triển khai các quy hoạch đã có; làm rõ nguyên nhân khiến năng lực tổng thể của thành phố sụt giảm so với mặt bằng chung của cả nước.

Về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới. Việc sửa đổi Luật Thủ đô cần bám sát các chủ trương, chính sách và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Hà Nội cần tổng kết thực tiễn để có căn cứ đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô; thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu là xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế. “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của cả nước. Vì vậy, các quy định trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. 

Dự thảo luật phải giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng… 

 Quang cảnh cuộc làm việc.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội quyết định khi đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Trong quá trình xây dựng dự án luật, Hà Nội cần tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân; tổ chức tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến sâu rộng về dự án luật.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.