Tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, chiều tối 16.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật – đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để thảo luận về việc xây dựng dự án luật nhằm sửa đổi một số nội dung của các luật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, trong đó có Luật Quản lý thuế.
Theo đó, để khẩn trương triển khai ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tổ chức họp bàn các nội dung bất cập, vướng mắc cần phải sửa đổi tại Luật Quản lý thuế.
Tại buổi họp, đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị tham dự tập trung nêu ý kiến về sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung, quy trình thủ tục, hồ sơ và các nội dung chính sách của luật.
Các nội dung chính cần thảo luận tập trung gồm 5 nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, dự kiến sửa đổi, bổ sung 12 điều trên tổng số 152 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành (chiếm 7,89% tổng số điều).
Các ý kiến phát biểu tập trung trao đổi liên quan đến quy định về Nguyên tắc quản lý thuế (Điều 5), Hiện đại hóa công tác quản lý thuế (Điều 11), Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 15), Quyền của người nộp thuế (Điều 16), Nguyên tắc khai thuế, tính thuế (Điều 42), Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 59), Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh (Điều 66);
Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế (Điều 75), Thẩm quyền quyết định hoàn thuế (Điều 76), Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế (Điều 98), Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (Điều 124), Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (Điều 125).
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh yêu cầu các vụ, cục, đơn vị cần tiếp tục tập trung khẩn trương rà soát các nội dung bất cập, vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Quản lý thuế hiện hành để đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội các nội dung sửa đổi, bổ sung.
Việc sửa đổi, bổ sung luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện cao nhất cho người nộp thuế, nhất là trong các thủ tục hoàn thuế, khấu trừ, xử lý chậm nộp; tăng cường cơ chế hậu kiểm, phòng ngừa gian lận, trốn thuế bảo đảm chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/sua-luat-quan-ly-thue-bao-dam-chong-that-thu-cho-ngan-sach-1381369.ldo