Cấp thiết sửa đổi Luật, tạo đột phá về thể chế
Bộ GTVT cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đường sắt 2017 đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực đường sắt, làm rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của từng chủ thể tham gia trong lĩnh vực đường sắt.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, Luật Đường sắt 2017 cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập.
Trong đó, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, Luật Đường sắt 2017 chưa có quy định về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt vùng, đường sắt vùng kết nối với đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng kinh tế.
Luật cũng chưa có quy định việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường sắt nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để khai thác tối ưu các khu vực trong ga, ngoài các hạng mục công trình dành cho chạy tàu thì còn được phép kinh doanh nhà hàng, khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại…, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Việc khai thác có hiệu quả không gian quanh các ga để phát triển các khu đô thị, dịch vụ thương mại… là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Việc này không chỉ mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế mà còn tạo ra nguồn lực từ khai thác quỹ đất, tối ưu hóa nhu cầu đi lại. Nguồn thu từ việc khai thác phát triển quỹ đất xung quanh ga được ưu tiên một phần để đầu tư trở lại cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật là yêu cầu cấp bách và cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời để thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo được đột phá về thể chế cho phát triển đường sắt.
Khai thác tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng đường sắt
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến gồm 8 chương, 80 điều. So với Luật Đường sắt 2017, Dự thảo giảm 2 chương và 7 điều. Trong đó, không tách riêng chương về đường sắt tốc độ cao và chương về đường sắt đô thị như trong Luật Đường sắt 2017.
Theo Bộ GTVT, các quy định ở hai chương này tại Luật Đường sắt 2017 mới chỉ mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn khai thác và vận hành.
Mặt khác, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao chỉ là các cấp kỹ thuật đường sắt và cần được thống nhất quản lý như các cấp kỹ thuật đường sắt khác từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, nhân viên đường sắt, tín hiệu, quy tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn đường sắt, kinh doanh đường sắt.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT bố cục lại theo hướng không đưa các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao thành các chương riêng mà được quy định chung cùng với các loại hình đường sắt khác.
Về đầu tư, xây dựng hạ tầng đường sắt, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT đã dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: Trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng, đường sắt vùng và công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, công trình đường sắt quốc gia dùng chung với đường sắt địa phương, đường sắt dùng chung với đường bộ.
Dự thảo cũng bổ sung quy định nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt như: được phép lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front – End Engineering Design, gọi là thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian thực hiện dự án đối với dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng đó, bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/sua-luat-duong-sat-tao-dot-pha-the-che-de-phat-trien-ha-tang-192240825150314527.htm