Ngày 24-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2022, thảo luận về 4 dự án luật quan trọng trước khi trình, phục vụ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị và dự án Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.
Cụ thể hóa tiêu chí, điều kiện thu hồi đất
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, nhiều luật và trên thực tế thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng mà luật tác động để hoàn thiện, trình Quốc hội vào tháng 9-2022.
Theo Thủ tướng, Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển; giảm thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức; bảo đảm kế thừa, phát triển Luật Đất đai và các luật, quy định liên quan; bảo đảm tính hệ thống, liên thông, đồng bộ với các luật liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý sửa Luật Đất đai cần bảo đảm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, giải phóng tối đa nguồn lực phát triển Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý đất đai, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực; chống cơ chế “xin – cho”. Đặc biệt, phải có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để uốn nắn.
Liên quan đến nội dung thu hồi đất, Thủ tướng đề nghị cần cụ thể hóa trong luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất, tránh tình trạng lạm dụng phát triển kinh tế để thu hồi đất, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là thu hồi cho dự án nhà ở thương mại.
Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động, Thủ tướng cho rằng có thể giao chức năng này cho địa phương. Việc này nhằm hỗ trợ những đối tượng không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động quản lý hiệu quả khoản tiền bồi thường, hỗ trợ một lần.
Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Thủ tướng đề nghị cần đánh giá kỹ tác động của quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm nông dân có đất để sản xuất, tránh hệ quả lâu dài cho xã hội.
Kiểm soát việc tiếp cận khu vực trọng yếu
Thủ tướng thống nhất nội dung về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỉ lệ diện tích đất để nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai. Việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để UBND cấp tỉnh cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, cần giao quyền chủ động cho địa phương để xác định phương thức hỗ trợ phù hợp với thực tế của từng địa phương, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất này công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin – cho”.
Đối với nội dung về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”, Thủ tướng lưu ý cần quy định chặt chẽ các điều kiện để tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lợi.
Đặc biệt, về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, người đứng đầu Chính phủ cho biết nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 18-NQ/TW là thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Vì đây là vấn đề phức tạp nên cần tiếp tục đánh giá thêm tác động liên quan.
Đối với nội dung về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bổ sung quy định về hạn chế và kiểm soát việc tiếp cận các khu vực trọng yếu, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, cần cân nhắc bổ sung quy định người nước ngoài thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà ở theo pháp luật về nhà ở thì được quyền sử dụng đất ở để có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhằm thống nhất với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản, Thủ tướng chỉ đạo phải tránh tạo thêm trung gian, phát sinh chi phí, tác động tiêu cực đến quyền tài sản hợp pháp của người dân. Nội dung này cần quy định thống nhất với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chốt lại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chủ trì tiếp tục huy động trí tuệ tập thể, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động; thảo luận, tôn trọng ý kiến phản biện, phối hợp tích cực, trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Tháo vướng mắc về đấu thầu
Về Luật Đấu thầu (sửa đổi), liên quan đến vướng mắc về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và sách giáo khoa, trang thiết bị giáo dục xảy ra trong thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tháo gỡ, giải quyết những việc đang ách tắc, bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/sua-luat-dat-dai-qua-do-chong-xin-cho-20220824220929988.htm