Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào thứ Hai, ngày 15/1/2024 và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 18/1/2024. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Kỳ họp lần này thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trao đổi với Người Đưa Tin về kỳ vọng đối với kỳ họp bất thường sắp diễn ra, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, với nhiệm kỳ XV, các kỳ họp bất thường đã trở thành bình thường, thể hiện đúng phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất: “Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”.
“Những vấn đề được đưa ra tại kỳ họp lần này, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đều là những vấn đề rất nóng, quốc kế dân sinh, ở đó, bất kỳ lý do gì ảnh hưởng đến tiến độ ban hành các luật này, cũng ảnh hưởng rất lớn, tác động rất tiêu cực đến xã hội”, đại biểu Sơn nói.
Theo ông Sơn, Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Việc sửa đổi Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Còn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lại cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý hoạt động, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế và khắc phục xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng phát sinh trong thời gian gần đây.
Bối cảnh xã hội hiện nay, kể cả khi không có dịch bệnh Covid-19 cũng diễn ra hết sức nhanh chóng. Chính vì thế, ông Sơn cho rằng cần phải có những quyết sách lớn kịp thời, đủ bảo đảm bao quát và xử lý nhanh thực tiễn cuộc sống, tạo định hướng cho sự phát triển đất nước.
Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là nhiệm vụ không dễ đạt được nếu chúng ta không có sự chuẩn bị, quyết tâm ngay từ bây giờ. Vì vậy, cần có những quyết sách lớn, quyết tâm cao và động lực tinh thần mạnh mẽ để phục hồi và phát triển.
"Kỳ họp bất thường trước đây và cả lần này nữa đã thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và mong muốn của cử tri cả nước, thể hiện đúng tinh thần Quốc hội "của dân, do dân, vì dân", cũng như thông điệp về một Quốc hội đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân", ông Sơn bàt tỏ.
Đồng thời cho rằng đây cũng là cách thức phù hợp để chúng ta hướng tới một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp hơn nữa, góp phần đáp ứng mục tiêu vì sự phát triển bền vững của đất nước, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thích ứng linh hoạt trong điều kiện thế giới có nhiều thay đổi, trong đó có cả những nguy cơ bất ổn.
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt kỳ vọng đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp bất thường tới. Dự Luật này được thông qua sẽ gỡ những bất cập, vướng mắc để đi vào thực tiễn càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng là một trong những nội dung mà đại biểu quan tâm. Đại biểu Sửu đề nghị cần có ý kiến và cách giải quyết thấu đáo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguồn
Bình luận (0)