Sửa Luật Báo chí để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của báo chí Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định. Cùng với nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí, trong quá trình thực thi Luật cũng có những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ, điều chỉnh. Đây là những điểm tồn tại hạn chế cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với các Đại biểu Quốc hội để ghi nhận ý kiến. |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:
Phát triển nền báo chí Việt Nam mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn nữa
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: Việc xem xét sửa đổi Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, để một mặt vừa nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với báo chí, một mặt là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà báo chí đang gặp phải, nhằm phát triển nền báo chí Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa và toàn diện hơn nữa.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với báo chí
+ Thưa Đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, đặc biệt là việc số hóa các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, sự phát triển của chính lĩnh vực báo chí, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng ngày càng đa dạng… đã đặt ra những thách thức và yêu cầu mới đối với công tác quản lý hoạt động báo chí, truyền thông. Do đó, Luật Báo chí hiện tại cần được sửa đổi để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
– Luật Báo chí được ban hành năm 2016 và từ khi Luật có hiệu lực cho đến nay, chúng ta đã thấy rõ hiệu quả tác động của Luật báo chí. Có thể nói, sau 6 năm thực hiện, Luật đã góp phần quản lý nhà nước về báo chí một cách tốt hơn và góp phần đẩy nhanh, đẩy mạnh sự phát triển nền báo chí hiện đại của Việt Nam.
Những năm qua, kể từ khi Luật báo chí 2016 có hiệu lực thì bộ mặt báo chí có thay đổi rất đáng kể. So với các ngành nghề khác, báo chí là một trong những lĩnh vực được hiện đại hóa sớm, luôn luôn đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực. Quản lý nhà nước về báo chí thì ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn rất là nhiều. Tôi nhận thấy rằng, báo chí hoạt động rất hiệu quả.
Thế còn tại sao lại phải sửa đổi Luật báo chí thì cũng trong quá trình thực thi Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn.
Thứ nhất, như tôi nói, báo chí là loại hình phát triển nhanh, mạnh mẽ. Cùng với sự hiện đại của công nghệ thì báo chí có nhiều bước phát triển vượt bậc. Trong khi đó, có những quy định của Luật Báo chí 2016 mà đến nay không còn phù hợp nữa. Thậm chí, có những loại hình mới ra đời và chúng ta chưa quy định ở trong Luật báo chí thì bây giờ chúng ta cần phải rà soát để sửa đổi cho phù hợp.
Như vậy, việc xem xét sửa đổi Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là cần thiết, để một mặt vừa nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với báo chí, một mặt là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà báo chí đang gặp phải, nhằm phát triển nền báo chí Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa và toàn diện hơn nữa.
Cơ chế “tự chủ” khiến các cơ quan báo chí rất loay hoay
+ Vậy, nếu sửa đổi Luật Báo chí, bà sẽ quan tâm đến những vấn đề nào nhất?
– Tôi thấy rằng, chúng ta nên tập trung vào một số “điểm mắc”. Điểm mắc thứ nhất là về kinh phí cho hoạt động báo chí.
Hiện nay, tôi cũng nhận được phản ánh rằng, kinh phí cho hoạt động báo chí còn thiếu rất nhiều. Đặc biệt là cơ chế chúng ta giao tự chủ cho các cơ quan báo chí khiến các cơ quan báo chí rất loay hoay. Họ vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, thế nhưng mặt khác lại vẫn phải gồng gánh trách nhiệm, nghĩa vụ tài chính, khiến cho cơ quan báo chí khó khăn, thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề.
Bởi vậy, đây cũng là một trong những nguyên nhân mà thời gian vừa qua đã dẫn đến tình trạng cá biệt là có một số cơ quan báo chí vì quá mải “chạy theo” cơ chế tự chủ tài chính, cho nên có phần xao nhãng chuyên môn chính. Thậm chí, đã nảy sinh những tiêu cực liên quan đến việc này, đặc biệt là những chi nhánh, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của những tờ báo nhỏ.
Tất nhiên, không phải là tất cả, nhưng đã có những trường hợp vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý theo quy định. Tôi thấy báo chí đưa tin là phóng viên này, phóng viên kia bị khởi tố vì “tống tiền” doanh nghiệp hoặc là “bắt tay” với doanh nghiệp trong hoạt động báo chí, truyền thông để có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Điều này cũng xuất phát một phần từ gánh nặng tài chính mà các tờ báo phải đối mặt. Đấy là áp lực rất lớn.
Cho nên, theo tôi, chúng ta cần phải nghiên cứu, rà soát thật kỹ đối với nhiệm vụ chính trị của báo chí. Báo chí là công cụ rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vậy thì nếu chúng ta muốn báo chí phát huy tốt nhất chức năng này của mình thì cũng phải xem xét một cơ chế tài chính thực sự thỏa đáng cho báo chí, tránh trường hợp do gánh nặng về tài chính khiến cho báo chí nhiều khi rất loanh quanh.
+ Theo bà, khi sửa luật, cần chú trọng việc giáo dục và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo trong bối cảnh hoạt động báo chí hiện nay như thế nào?
– Tôi nghĩ rằng, lần này, nếu sửa Luật Báo chí thì cần xây dựng một chương riêng quy định về đạo đức người làm báo. Phải rà soát thật kỹ, quy định rất cụ thể đối với vấn đề này.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại rằng, để cho hài hòa thì bên cạnh việc quy định chặt chẽ về đạo đức người làm báo, chúng ta cũng phải có một cơ chế thực sự thỏa đáng cho báo chí. Nếu như vẫn đặt báo chí trước cái cảnh vừa phải lo công tác chuyên môn, vừa phải lo kinh tế – đòi hỏi nhiều phẩm chất như vậy rất là khó!
Các cơ quan nhà nước phải dành nguồn kinh phí để “đặt hàng” báo chí
+ Chính sách hỗ trợ và đặt hàng cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả tuyên truyền và đúng tôn chỉ mục đích của báo chí. Vậy, theo quan điểm của Đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước cần có cơ chế đặt hàng báo chí như thế nào?
– Phải thẳng thắn nhìn nhận như thế này, mặc dù báo chí là công cụ cực kỳ hữu hiệu trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhưng tôi thấy chúng ta cũng chưa thực sự đẩy mạnh được vai trò của báo chí trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Thậm chí là cả những vấn đề rất lớn để góp phần làm thay đổi hành vi của người dân mà chúng ta cũng chưa sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu.
Điều này cũng xuất phát từ nhận thức, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của truyền thông và cũng không dành được nguồn kinh phí thỏa đáng cho việc này. Các cơ quan nhà nước phải dành nguồn kinh phí để “đặt hàng” báo chí. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông chính sách, pháp luật.
Tôi cũng rất mong muốn, trong Luật Báo chí sửa đổi và những văn bản sau này liên quan đến việc triển khai Luật Báo chí thì chúng ta cần phải nhìn nhận rõ vai trò quan trọng của truyền thông; cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ quản các tờ báo, phải bố trí được nguồn kinh phí thỏa đáng cho báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chính sách, pháp luật. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ thu lại lợi ích rất lớn!
Bên cạnh đó, vấn đề về hạ tầng ngành báo và khai thác dữ liệu của báo chí, cần được quan tâm đầu, để báo chí thực sự phát triển hiện đại và đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi cuộc sống hiện nay.
+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội về những chia sẻ vừa rồi!
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Cần đáp ứng tốt nhất nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng
Có thể nói rằng, với sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, đặc biệt là việc số hóa các hoạt động truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội, lĩnh vực báo chí của chúng ta đang tiến bộ không ngừng. Sự tăng cao về nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng đã đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu đối với quản lý hoạt động báo chí, truyền thông. Do đó, Luật Báo chí hiện tại cần được cải tiến, bổ sung nhằm đáp ứng những bất cập xảy ra trong quá trình này.
Tôi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí cần có sự tham gia, đóng góp của tất cả các bên liên quan, trong đó có cả tổ chức truyền thông, nhà báo, công chúng và các nhà nghiên cứu. Chỉ thông qua sự hợp tác chặt chẽ và xây dựng một môi trường tương tác tích cực, chúng ta mới có thể xây dựng một Luật Báo chí thích hợp, đáp ứng tốt nhất các thách thức và nhu cầu của xã hội hiện đại.
Việc sửa đổi Luật Báo chí đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xã hội. Bằng cách xem xét, áp dụng các cải tiến cần thiết, chúng ta có thể đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của ngành báo chí, truyền thông, đồng thời đáp ứng tốt nhất nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng.
Để đảm bảo môi trường thông tin phong phú và đa dạng, Luật Báo chí sửa đổi cần khuyến khích sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại truyền thông này. Chúng ta nên tạo điều kiện thích hợp để khuyến khích sự đổi mới công nghệ trong lĩnh vực truyền thông.
Điều này bao gồm việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng truyền thông mới, công nghệ truyền thông số và các hình thức sáng tạo khác như truyền thông tương tác, trực tuyến và đa phương tiện. Bên cạnh đó, với sự gia tăng của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trong lĩnh vực truyền thông, Luật Báo chí sửa đổi cần đảm bảo rằng quyền riêng tư của cá nhân được bảo vệ và dữ liệu cá nhân được xử lý một cách công bằng, an toàn.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội:
Dành nguồn lực thỏa đáng để báo chí thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách pháp luật
Nền Báo chí Cách mạng Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc giám sát và góp phần vào sự phát triển của đất nước. Việc điều chỉnh Luật Báo chí để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra là rất cần thiết. Điều này tạo ra một môi trường khuyến khích, đáp ứng nhu cầu của người dân, thúc đẩy sự đa dạng, sáng tạo và chất lượng trong nghề báo.
Một vấn đề nữa, khi sửa Luật Báo chí cần phải đảm bảo sự bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của công dân. Trong thời đại kỹ thuật số phát triển, việc sửa đổi Luật Báo chí có thể đảm bảo rằng các dữ liệu cá nhân được bảo vệ và sử dụng một cách đúng đắn, từ đó tạo sự tin tưởng và tôn trọng đối với các cơ quan báo chí.
Ngoài ra, tôi cho rằng vấn đề kinh tế báo chí cũng được rất nhiều ý kiến quan tâm. Hiện nay, nhiều phương tiện truyền thông phải dựa vào quảng cáo và các nguồn tài trợ ngoài để duy trì hoạt động. Điều này có thể ảnh hưởng đến độc lập và khách quan của báo chí, vì sự phụ thuộc này có thể tạo ra áp lực để đáp ứng nhu cầu của nhà tài trợ hoặc giảm tính phản biện trong nội dung.
Do sự cạnh tranh và áp lực tài chính, nhiều phương tiện truyền thông phải tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận. Điều này có thể dẫn đến việc thiếu sự đầu tư vào nội dung chất lượng và các vấn đề xã hội quan trọng. Những tổ chức truyền thông lớn có thể kiểm soát thị phần và ảnh hưởng lớn đến quyết định thông tin. Điều này gây ra sự mất cân bằng trong việc đưa ra các quan điểm đa chiều và đảm bảo sự đa nguyên tắc trong việc xây dựng nội dung.
Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thói quen tiêu dùng của khán giả, các phương tiện truyền thông phải tìm ra các cách sáng tạo để thu hút thu nhập và duy trì hoạt động. Vấn đề này, cần được xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.
Các cơ quan nhà nước cần có cơ chế “đặt hàng” báo chí, để tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân. Việc Nhà nước đặt hàng báo chí có thể được xem là một cách để đảm bảo rằng thông tin chính thức và chính xác về chính sách và pháp luật được truyền đạt một cách đầy đủ và hiệu quả đến người dân. Tuy nhiên, cần xem xét cẩn thận về cách thức triển khai để đảm bảo tính công bằng, đa dạng và độc lập trong quá trình này.
Nguyễn Hường (Thực hiện)