Góp ý dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), ĐBQH kiến nghị bổ sung thêm lĩnh vực đầu tư tổ hợp sản xuất hóa chất từ nguyên liệu tái chế, nhằm hướng đến kinh tế xanh.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – đoàn Lâm Đồng cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng |
Theo đại biểu, tại Điều 6 dự thảo luật đã nêu 6 chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Nội dung của các chính sách này là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ nội dung được quy định của dự thảo luật. Tinh thần và nội dung chủ đạo của các chính sách tập trung phần lớn vào nội dung phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển công nghiệp hóa.
Song đại biểu đề nghị, vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe, bảo vệ các quyền con người có liên quan trong lĩnh vực hóa chất trong dự thảo luật cần tiếp tục được rà soát để quy định một cách tương xứng, cụ thể hơn trong dự thảo luật.
“Vấn đề bảo vệ an toàn sức khỏe, các quyền con người liên quan trong lĩnh vực hóa chất, bảo vệ môi trường, quyền được tiếp cận thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, quyền được yêu cầu bồi thường và khắc phục thiệt hại, quyền được tham vấn, tham gia các quyết định về các vấn đề liên quan đến quản lý, kiểm soát hóa chất trong cộng đồng cần được thể hiện rõ nét hơn, đảm bảo sự hài hòa với việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong hoạt động hóa chất” – đại biểu lưu ý.
Thứ hai, khoản 1 Điều 12 liệt kê 6 lĩnh vực được xác định là công nghiệp hóa chất trọng điểm. Đại biểu kiến nghị bổ sung thêm một lĩnh vực là đầu tư tổ hợp sản xuất hóa chất từ nguyên liệu tái chế theo công nghệ tiên tiến, không phát thải thứ cấp.
Bởi vì, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 77, Điều 78 Nghị định số 08 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và các bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ quy định tái chế bắt buộc nhằm hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững.
“Điều này sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án tái chế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa chất trong nền kinh tế không phát thải thứ cấp” – đại biểu nói.
Thứ ba, về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa ở Chương V, từ Điều 56 đến Điều 58, đại biểu nhấn mạnh, Chương V của dự thảo luật được soạn thảo công phu và toàn diện nhằm mục tiêu theo kịp xu thế các nước trên thế giới về quản lý hóa chất trong sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng có nguy cơ phơi nhiễm hóa chất nguy hiểm đối với người sử dụng nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng và môi trường, ngăn chặn việc nhập khẩu vào Việt Nam các hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng, có hàm lượng hóa chất nguy hiểm cao đã bị hạn chế sử dụng ở các quốc gia khác trên thế giới, giảm nguy cơ phát thải ra môi trường và các chất thải là sản phẩm sau sử dụng có chứa hóa chất nguy hại với hàm lượng lớn.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 57 quy định “tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa hóa chất chứa chất nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 56 của luật này có nghĩa vụ thực hiện các quy định về sử dụng, tồn trữ, vận chuyển, thải bỏ, xử lý hóa chất”, đại biểu cho rằng cần nêu cụ thể theo điều khoản nào của luật này, đó là khoản 1, khoản 2 Điều 19 có đề cập đến việc vận chuyển hóa chất nguy hiểm; hay điểm b khoản 1 Điều 20 có đề cập đến tồn trữ hóa chất nguy hiểm.
Ngoài 2 điều khoản trên, không thấy có điều khoản nào quy định về việc sử dụng, thải bỏ và xử lý, hóa chất nguy hiểm mà chỉ có quy định về sử dụng, thải bỏ và xử lý hóa chất. Như vậy, việc sử, dụng thải bỏ và xử lý hóa chất nguy hiểm sẽ được thực hiện giống như quy định đối với việc xử lý thải bỏ hóa chất hay sao? Đồng thời, cũng cần xem xét, rà soát đặt quy định này trong mối quan hệ với quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.
Thứ tư, về trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Tại khoản 1 Điều 70 dự thảo luật quy định về phân cấp sự cố hóa chất. Đại biểu nhận thấy, việc phân cấp này chỉ mới mang tính chất phân cấp theo phạm vi địa lý và khó có cơ sở khoa học để đánh giá và phân loại một cách rõ ràng.
Theo thông lệ quốc tế, phân cấp sự cố hóa chất theo ISO 3310-0 thường được thực hiện theo các tiêu chí sau: Về mức độ nguy hiểm của hóa chất, về lượng hóa chất bị rò rỉ, về tốc độ phát tán, về mức độ phơi nhiễm, về ảnh hưởng đến môi trường, về hậu quả kinh tế – xã hội.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phân cấp sự cố hóa chất một cách khoa học và rõ ràng hơn để đánh giá mức độ nghiêm trọng, quy mô và ảnh hưởng của sự cố hóa chất, từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, xử lý theo cách thức ứng phó sự cố hóa chất quy định tại Điều 70 hay theo cách thức khắc phục hậu quả do sự cố hóa chất quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 71.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – đoàn Nam Định chia sẻ, dự thảo luật bổ sung quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm. Đây là một điểm mới và quan trọng của dự thảo luật.
Các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được liệt kê tại khoản 1 Điều 12 của dự thảo luật gồm các lĩnh vực góp phần bảo đảm an ninh lương thực như phân bón hàm lượng cao, bảo đảm an ninh y tế, tự chủ trong các tình huống xuất hiện dịch bệnh cũng như là hóa dược, bảo đảm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước như hóa chất cơ bản, hóa dầu cao su kỹ thuật hay các lĩnh vực thúc đẩy phát triển bền vững hướng tới kinh tế tuần hoàn như sản xuất hóa chất hydro, amoniac xanh, khu, cụm công nghiệp chuyên ngành.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – đoàn Ninh Bình cho hay, Chương VI của dự thảo Luật đã quy định những nội dung về yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất tại mục 1, về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại mục 2. Dự thảo luật cơ bản kế thừa những quy định của Luật Hóa chất năm 2007 và nghị định hướng dẫn thi hành luật về kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự chuyển dịch của cơ cấu năng lượng từ nguồn năng lượng truyền thống sang nguồn năng lượng sạch, do vậy khi xây dựng chương an toàn hóa chất trong dự thảo luật, cần xem xét tính đặc thù của một số quá trình hóa học sản xuất các chất mang năng lượng như amoniac xanh, hydro xanh để bảo đảm xác định đầy đủ các trường hợp đối tượng, nhất là các trường hợp đối tượng có thể phát sinh trong tương lai.
Cụ thể, cần chỉ rõ các chất mang năng lượng như trên sẽ là đối tượng cần tuân thủ theo dự thảo luật hay theo một luật khác về năng lượng.
Cũng liên quan đến lĩnh vực năng lượng, hiện nay pin lithium được dùng phổ biến cho các dòng xe đạp, xe máy điện. Nếu xảy ra cháy sẽ rất khó dập tắt bằng những bình chữa cháy thông thường, việc dùng nước để chữa cháy còn có thể gây nổ.
“Xuất phát từ thực tiễn đó, đề nghị dự thảo luật cần xác định về việc phòng ngừa cháy pin lithium cũng như ứng phó sự cố cháy có liên quan đến pin lithium có thuộc đối tượng phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của dự thảo luật hay không để làm cơ sở đưa ra những quy định phù hợp” – đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nêu.
Nguồn: https://congthuong.vn/sua-doi-luat-hoa-chat-thuc-day-phat-trien-ben-vung-huong-toi-kinh-te-xanh-360645.html