Cụ thể, “Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số” vừa được Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung một số nội dung để thống nhất với thực tiễn triển khai “Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia” và phù hợp với thực tiễn triển khai Chính phủ số tại Việt Nam thời gian gần đây.
Nội dung điều chỉnh quan trọng nhất là trong sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam, tên gọi “Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia” đã được điều chỉnh thành “Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia”.
Tên gọi “Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia” trong sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam đã được điều chỉnh thành “Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia”.
Tiếp đến, các quy định về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia cũng có sự điều chỉnh, bổ sung vai trò của nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Trong đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì triển khai với mục tiêu tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo hình thức kết nối tập trung và hình thức kết nối trực tiếp theo mô hình phân tán.
Bên cạnh đó, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đặt tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia cũng sẽ thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với nhau thông qua nền tảng chia sẻ điều phối dữ liệu của trung tâm này.
“Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số” được Bộ TT&TT ban hành từ cuối năm 2023, nhằm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh, đồng thời tạo cơ sở cho việc hình thành và triển khai áp dụng hệ thống kiến trúc Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương,
So với phiên bản 2.0 được xây dựng trước đó, phiên bản 3.0 đã bổ sung Trung tâm Dữ liệu quốc gia, kho dữ liệu về con người, kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia vào Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Cùng với sự điều chỉnh mới nhất, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện, cho thấy vai trò của cơ sở dữ liệu đối với quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số.
Theo báo cáo của bộ phận thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trước năm 2020, chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp được vận hành; đến năm 2024, các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm đã hoàn thành, các cơ sở dữ liệu khác cũng đang gấp rút hoàn thiện.
Trước năm 2020, các bộ, ngành, địa phương triển khai cơ sở dữ liệu còn manh mún; đến năm 2024, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của mình với tổng số gần 3.000 cơ sở dữ liệu.
Một thành tựu khác của việc xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia là nếu như năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là 11,5 triệu thì đến giữa tháng 7/2024, lũy kế số giao dịch qua nền tảng này đã đạt 2,3 tỷ giao dịch, với 95 đầu mối kết nối của các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc. Những con số kể trên có thể cho thấy chúng ta đang xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia theo đúng hướng, phù hợp với mục tiêu của phát triển Chính phủ số và chuyển đổi số trong cả nước.
VOV.vn
Nguồn: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/sua-doi-khung-kien-truc-chinh-phu-dien-tu-viet-nam-phien-ban-30-post1133817.vov