Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2022-2025 cổ phần hóa 30 doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước đầu tư tại 146 doanh nghiệp.
Trong danh sách cổ phần hóa có nhiều doanh nghiệp lớn như: Ngân hàng Agribank, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn…
Danh sách thoái vốn đầu tư nhà nước cũng có tên của nhiều doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Lắp máy, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Truyền hình Cáp (VTVcab)….
Mục tiêu là như vậy, song theo Bộ Tài chính, cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được cấp thẩm quyền phê duyệt cổ phần hóa.
Về thoái vốn, trong năm 2023 đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp (F1) với giá trị 11,65 tỷ đồng, thu về 22,68 tỷ đồng; tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 07 doanh nghiệp (F2) với giá trị là 53,5 tỷ đồng, thu về 206,3 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp (F1) với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 145 tỷ đồng, thu về 157 tỷ đồng; tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 3 doanh nghiệp với giá trị 40,9 tỷ đồng, thu về 182 tỷ đồng.
Bộ Tài chính thừa nhận, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân khách quan là do những bất ổn lớn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế, ảnh hưởng của dịch bệnh…, nên việc triển khai không đảm bảo kế hoạch đề ra (phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường).
Nguyên nhân chủ quan là do Kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 ban hành chậm. Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai thực hiện của cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc danh mục chưa quyết liệt. Ngoài ra, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, phương án thoái vốn chậm, việc xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công kéo dài.
Sửa đổi cơ chế xử lý cơ sở nhà đất khi cổ phần hóa, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu
Về giải pháp đẩy mạnh nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách vướng mắc liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn.
Bộ cũng đề nghị cá cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đánh giá thận trọng để xây dựng, lập kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, khả thi, đảm bảo không thất thoát, mất vốn, tài sản của nhà nước. Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.
UBND các địa phương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn (khi được đề nghị), bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.
Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan.
Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-phan-hoa-be-tac-sua-co-che-xu-ly-nha-dat-de-thu-hut-nha-dau-tu-d226539.html