Sự thù địch này có liên quan mật thiết đến việc ngày càng nhiều các chính trị gia từ khu vực Nam Á trở nên nổi tiếng và ghi được nhiều dấu ấn trên chính trường Mỹ.
Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris có gốc Ấn Độ, giống như cựu ứng cử viên Đảng Cộng hòa Nikki Haley và Vivek Ramaswamy. Vợ của ứng cử viên phó tổng thống Đảng Cộng hòa JD Vance, bà Usha Vance, cũng là người Mỹ gốc Ấn.
Theo báo cáo, từ tháng 1/2023 đến tháng 8/2024, các hành vi thù địch chống người Mỹ gốc Á đã gia tăng trong các không gian trực tuyến cực đoan.
Sự gia tăng này xuất phát từ “một môi trường chính trị độc hại, nơi ngày càng nhiều lãnh đạo và những tiếng nói cực đoan từ phe cực hữu liên tục lan truyền các thông tin sai lệch và phát ngôn phân biệt chủng tộc”.
“Tại thời điểm tháng 8/2024, sau khi Usha Vance xuất hiện tại Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa và Kamala Harris chính thức trở thành ứng viên tổng thống tại Đại hội Quốc gia Đảng Dân chủ, các lời đe dọa bạo lực nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á đạt đến mức cao nhất”, theo báo cáo của Stop AAPI Hate.
Báo cáo cũng lưu ý rằng sự gia tăng các phát ngôn thù địch chống lại người Mỹ gốc Nam Á trong năm 2023 và 2024 song hành với sự gia tăng đại diện chính trị của cộng đồng này trong chu kỳ bầu cử hiện tại.
Trong số các nhóm người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Nam Á là mục tiêu bị nhắm đến nhiều nhất, với 60% số lời lẽ phân biệt nhắm vào họ. Các lời lẽ thù địch trong các không gian trực tuyến cực đoan đã tăng gấp đôi từ khoảng 23.000 lượt vào năm ngoái lên hơn 46.000 lượt vào năm 2024.
Hiện có khoảng 5,4 triệu người gốc Nam Á sống ở Mỹ, bao gồm những người có nguồn gốc từ Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
Cao Phong (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-cao-gia-tang-dang-ke-cac-hanh-vi-thu-dich-tren-mang-nham-vao-nguoi-my-goc-nam-a-post316100.html