(NLĐO) – Hệ Mặt Trời thực ra có đến 3 hành tinh nằm trong vùng “có thể sống được”, nhưng các nhà khoa học Anh vừa đưa ra một tin xấu.
Những năm gần đây, trong khi Sao Hỏa nổi lên như ứng cử viên hàng đầu cho các cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh, thì Sao Kim cũng được chú ý với những dấu hiệu hoạt động địa chất cũng như một số thành phần đặc biệt trong bầu khí quyển.
Cả 2 hành tinh này và thế giới của chúng ta đều nằm trong “vùng sự sống” Goldilocks của hệ Mặt Trời, được cho là sinh ra với các đặc điểm thuận lợi cho sự sống như nhau.
Thế nhưng, nhà nghiên cứu hành tinh Tereza Constantinou và các cộng sự từ Đại học Cambridge (Anh) không cho là như thế.
Theo Sci-News, có hai lý thuyết chính về sự tiến hóa của điều kiện trên Sao Kim kể từ khi nó hình thành cách đây 4,6 tỉ năm.
Đầu tiên là điều kiện trên bề mặt hành tinh đã từng đủ ôn hòa để duy trì nước ở dạng lỏng, nhưng hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát do hoạt động núi lửa lan rộng đã khiến hành tinh này ngày càng nóng hơn.
Giả thuyết thứ hai cho rằng Sao Kim sinh ra đã nóng và nước ở dạng lỏng chưa bao giờ có thể ngưng tụ ở bề mặt.
TS Constantinou cho biết: “Cả hai lý thuyết đó đều dựa trên các mô hình khí hậu, nhưng chúng tôi muốn áp dụng một cách tiếp cận khác dựa trên các quan sát về thành phần hóa học khí quyển hiện tại của Sao Kim”.
Để giữ cho bầu khí quyển của sao Kim ổn định, bất kỳ hóa chất nào bị loại bỏ khỏi bầu khí quyển cũng phải được trả lại bầu khí quyển, vì bên trong và bên ngoài hành tinh luôn có sự “giao tiếp” hóa học với nhau.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, nhóm tác giả đã tính toán tốc độ phá hủy hiện tại của các phân tử nước, carbon dioxide và carbonyl sulfide trong bầu khí quyển Sao Kim.
Những thứ này phải được phục hồi bằng khí núi lửa để giữ cho bầu khí quyển ổn định.
Tuy nhiên, các tính toán mới cho thấy với những gì tồn tại trong bầu khí quyển ngày nay, khí núi lửa trên hành tinh này chỉ chứa tối đa 6% nước.
Những vụ phun trào khô này cho thấy bên trong Sao Kim, nguồn magma giải phóng khí núi lửa, cũng bị mất nước.
Với một hành tinh khô từ bên trong như thế, việc những đại dương nước lỏng từng tồn tại được bên trên bề mặt của nó là rất khó.
Kết quả này có thể giúp các nhà thiên văn học thu hẹp phạm vi tìm kiếm các hành tinh có thể hỗ trợ sự sống trên quỹ đạo quanh các ngôi sao khác trong thiên hà.
Nếu Sao Kim thực sự không sống được, thì có lẽ chúng ta nên loại bỏ các hành tinh có thành phần khí quyển tương tự trong các hệ sao khác khỏi danh sách thế giới sống được tiềm năng, cho dù chúng có nằm trong vùng sự sống của hệ sao.
Nguồn: https://nld.com.vn/su-that-ve-hanh-tinh-thu-3-co-the-song-duoc-cua-he-mat-troi-196241211113121657.htm