(NLĐO) - Phát hiện gây sốc của các nhà khoa học Mỹ về một loại ngoại hành tinh chết chóc có thể cho thấy tương lai của hệ Mặt Trời 5 tỉ năm sau.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Aomawa Shields từ Đại học California ở Irvine (Mỹ) đã so sánh khí hậu của các hành tinh có nước và có thành phần khí quyển giống Trái Đất quay quanh 2 loại sao: Sao lùn trắng và sao lùn K dãy chính Kepler-62.
Trong 2 loại sao đó, sao lùn trắng là những "thây ma". Chúng là tàn tích còn sót lại của những ngôi sao giống Mặt Trời đã cạn năng lượng và chết đi.
Xung quanh chúng có thể vẫn còn sót lại một số hành tinh, trước đây cũng được cho là tồn tại vật vờ trong trạng thái "thây ma" chết chóc.
Sự sống giống Trái Đất có thể tồn tại ở các hành tinh quay quanh sao lùn trắng - Minh họa AI: Thu Anh
Thế nhưng, khi sử dụng một mô hình máy tính khí hậu toàn cầu 3D thường được áp dụng để nghiên cứu môi trường Trái Đất, các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra một sự thật gây sốc: Hành tinh quanh sao lùn trắng thậm chí dễ sống hơn hành tinh quay quanh Kepler-62.
Theo TS Shields, mặc dù các sao lùn trắng vẫn có thể tỏa ra một ít nhiệt từ hoạt động hạt nhân còn sót lại ở các lớp ngoài của chúng, nhưng chúng không còn phản ứng tổng hợp hạt nhân ở lõi nữa.
Trước đây khoa học thường không chú ý nhiều đến khả năng tồn tại sự sống ở các hành tinh nằm trong vùng sự sống của các ngôi sao "thây ma" này. Vùng sự sống của sao lùn trắng gần ngôi sao hơn nhiều so với các ngôi sao "còn sống".
Vì vậy, đó có thể là các thế giới bị khóa thủy triều với sao mẹ, tức luôn quay một mặt duy nhất về phía ngôi sao giống như cách Mặt Trăng luôn quay một mặt về phía Trái Đất.
Ở những ngôi sao bình thường, tình trạng này có thể khiến mặt ban ngày của hành tinh quá nóng, hoặc ngược lại sẽ bị quá lạnh do tạo ra quá nhiều mây như trường hợp hành tinh của Kepler-62.
Ngược lại, hành tinh quay quanh sao lùn trắng gần sao mẹ hơn và chính tốc độ quay quá nhanh khiến nó không bao giờ có thể tạo ra nhiều mây như hành tinh quanh Kepler-62.
Ít mây lỏng vào ban ngày và hiệu ứng nhà kính mạnh hơn vào ban đêm tạo ra điều kiện ấm áp hơn, tương tự như môi trường trên Trái Đất. Vì thế, không những dạng thế giới "thây ma" này có thể sống được, hệ sinh thái trên đó cũng có thể rất giống Trái Đất.
Những kết quả này cho thấy môi trường sao lùn trắng - từng được coi là không thích hợp cho sự sống - có thể mở ra những hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu ngoại hành tinh và sinh học vũ trụ theo đuổi" - TS Shields cho biết.
Phát hiện này cũng mở ra một "khung cửa hẹp" cho sự sống ở hệ Mặt Trời - bao gồm Trái Đất - 5 tỉ năm sau, khi ngôi sao mẹ của chúng ta cũng biến thành một sao lùn trắng.
Nguồn: https://nld.com.vn/su-song-giong-trai-dat-co-the-hien-dien-o-hanh-tinh-thay-ma-196250215084026609.htm
Bình luận (0)