Sống giữa cộng đồng, mỗi người có những mối quan hệ khác nhau. Nhìn từ góc độ đời sống tình cảm của con người, sự quan tâm đến người khác, đến những việc xảy ra quanh mình với một tâm thế tích cực cần thiết đối với mỗi người.
Về sự quan tâm
Trong gia đình, cha mẹ quan tâm đến các con của mình. Sự quan tâm chăm lo cho các con trong việc ăn uống, thuốc men, việc học hành… đã được các bậc cha mẹ dành thời gian, dành sự chú ý thường xuyên hơn. Bởi, với việc chăm lo đúng cách, sức khỏe các cháu sẽ tốt. Các cháu lớn nhanh, khỏe mạnh, việc học tập sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Các con cũng đã có những sự quan tâm, chăm sóc lại cha mẹ, khi cha mẹ đã bắt đầu già yếu, khi đau ốm. Người đã cao tuổi, rất cần sự quan tâm hỏi thăm, chuyện trò, giúp đỡ việc này, việc khác của các con, các cháu. Người lớn tuổi mong có những bữa cơm ấm áp cùng cháu con, để có dịp kể chuyện gia đình ngày trước. Các con cũng cần có sự quan tâm về mặt tình cảm, hiểu tâm lý của cha mẹ, sẻ chia những câu chuyện cùng cha mẹ. Cha mẹ già yếu, con cái chăm sóc. Nhưng không phải tất cả đã giống nhau. Người có thể dành nhiều thời gian hơn chăm lo cho cha mẹ. Người lại chỉ có thể giúp cha mẹ về mặt tài chính mà không thể chăm sóc trực tiếp. Vậy thì, sự quan tâm ở đây được hiểu ở những cách khác nhau. Có sự quan tâm, nhưng mỗi người thể hiện điều đó theo tình hình thực tế của mình.
Những người hàng xóm của nhau, có những trường hợp, rất cần sự quan tâm đến nhau. Bởi thực tế, có biết bao việc mà những người ở gần nhau có thể giúp nhau trong những cơn khốn khó, khi gặp những sự cố bất ngờ.
Trong cơ quan, đồng nghiệp quan tâm nhau về việc chung của cơ quan, quan tâm về sức khỏe để, nếu có người đau ốm, đồng nghiệp sẽ nhanh chóng gánh vác thay. Ngoài xã hội, rất nhiều người có những hoàn cảnh khác nhau. Người có điều kiện về tài chính, người có điều kiện về thời gian. Trước những cảnh đời khó khăn, đã có những người có điều kiện hơn quan tâm giúp đỡ những người già yếu, neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi bằng những việc làm cụ thể với tấm lòng chân thành.
Về sự không quan tâm
Trong gia đình, thực tế cho thấy, không phải mọi gia đình, những người thân đều thực sự quan tâm đến nhau. Đã có những trường hợp anh chị em không thuận thảo, người này không hề quan tâm đến người khác. Có người gặp cảnh ngộ khó khăn, họ hàng thờ ơ, phải tự xoay xở một mình.
Ở cơ quan, mỗi người được phụ trách một phần việc hoặc một số phần việc theo sự phân công của người lãnh đạo. Phần đông, mỗi người làm phần việc chuyên môn của mình, ở mức độ thuần thục, với những kỹ năng khác nhau. Ngoại trừ những trường hợp bạn bè quan tâm đến công việc của bạn theo tinh thần giúp đỡ nhau khi cần, thì cũng có người chỉ làm phần việc chuyên môn của mình. Hỏi việc gì liên quan đến người khác, người ta sẽ nhận được câu trả lời: “Việc đó tôi không biết, tôi không quan tâm!”. Nghe sự lặp lại đôi lần về câu trả lời ấy, người đối diện thấy câu ấy như thế nào! Nhưng tại sao lại phải kèm theo “Tôi không quan tâm!”. Một cách trả lời không hề sai về nhiệm vụ, nhưng để lại suy nghĩ trong lòng người nghe có gì đó không thật thân tình giữa những người làm việc cùng nhau. Hàng xóm, không hiếm trường hợp nhà ai nấy ở, chuyện ai nấy lo. Người ta không màng đến việc của nhà khác, người khác.
Rõ ràng, sự quan tâm có rất nhiều biểu hiện đa dạng trong cuộc sống. Sống giữa những người thân quen, đồng nghiệp, láng giềng, người ta cần sự quan tâm thật sự đến nhau. Có như thế, mọi người còn nghĩ tốt về nhau, đến những điều tốt đẹp mà mình đón nhận được khi sống trong gia đình, sống giữa cộng đồng.