Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em, song tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em, song tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. |
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo dựng một khung pháp lý quan trọng dần hoàn thiện làm cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người
Nỗ lực nổi bật nhất của Việt Nam là việc ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người.
Hiện nay, các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người được ghi nhận trong nhiều văn bản khác nhau như: Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác.
Cùng với đó, Việt Nam đã triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ (Chương trình 130/CP) với 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện, lồng ghép với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Một loạt các văn bản dưới luật cũng đã được ban hành nhằm trừng trị nghiêm khắc tội phạm mua bán người, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Những văn bản này phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với các thỏa thuận và công ước mà Việt Nam đã ký kết.
Về ngăn chặn mua bán người trong lĩnh vực việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cùng với việc ban hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 (Luật số 69), sau đó, một loạt văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành. Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật số 69, quy định doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép nếu lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động.
Các hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn có một số văn bản quan trọng khác như:
Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó giao Bộ Công an chủ trì, xây dựng, triển khai và báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống mua bán người.
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp có giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.
Kể từ khi tham gia Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), Việt Nam đã tích cực nội luật hoá các quy định của ACTIP thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành.
Một là, hình sự hoá tội mua bán người, quy định tại BLHS năm 1999. Tuy nhiên, để phù hợp với ACTIP và các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung đối với tội mua bán người, theo đó quy định nhóm tội mua bán người thành 05 tội danh riêng biệt.
Những quy định về mức hình phạt BLHS năm 2015 cao hơn BLHS năm 1999, với những tình tiết định khung tăng nặng bổ sung thêm, phù hợp với quy định của ACTIP. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc đấu tranh với loại tội phạm này.
Hai là, phòng ngừa tội phạm. Các văn bản pháp luật hiện hành quy định tương đối cụ thể về các biện pháp thực hiện, trong đó có biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội buôn bán người; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; thống nhất với các nước có chung đường biên giới về cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người, hồi hương đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người…
Ba là, bảo vệ và hồi hương nạn nhân. Theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Việt Nam tạo điều kiện để các cơ quan chức năng của Việt Nam hợp tác với các cơ quan nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân.
Đối với hồi hương nạn nhân, Việt Nam tạo điều kiện để nạn nhân là người nước ngoài được trở về quốc gia nơi mà họ mang quốc tịch hoặc nơi thường trú cuối cùng. Các biện pháp áp dụng trong quá trình hồi hương nạn nhân phải dựa trên quy định pháp luật và thoả thuận giữa Việt Nam với các nước, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Bốn là, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được tăng cường, qua đó góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế – xã hội. Việc thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người dựa trên điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, trong đó bao gồm tội phạm mua bán người, Việt Nam đã tham gia Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ASEAN năm 2004 và ban hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007.
Sự phát triển của pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người
Mặc dù đã xây dựng và ban hành được khung pháp lý cơ bản để phòng chống tình trạng mua bán người, tuy nhiên so với tình hình thực tiễn, vẫn cần phải rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật đồng bộ hơn.
Việt Nam đã phê chuẩn ACTIP vào ngày 13/12/2016, chính thức có hiệu lực từ ngày 8/3/2017. Khẳng định cam kết khu vực của Việt Nam trong hợp tác phòng, chống mua bán người, Việt Nam đã tích cực nội luật hoá các quy định của ACTIP và đến nay, về cơ bản pháp luật Việt Nam về phòng chống mua bán người đã tương thích với quy định của ACTIP.
Các quy định pháp luật về phòng chống mua bán người đã khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa tương thích cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN về phòng, chống mua bán người:
Thứ nhất, quy định tại cấu thành tội phạm của BLHS năm 2015 hẹp hơn so với Công ước ACTIP cũng như các điều ước quốc tế khác. Trong khi quy định của ACTIP ghi nhận các hành vi cấu thành tội buôn người như hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển dụng, vận chuyển, chứa chấp là độc lập với nhau. Khi thực hiện bất kỳ hành vi nào trong số đó có mục đích như Công ước quy định thì sẽ cấu thành tội buôn bán người.
BLHS quy định hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người để nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người mới được coi là hành vi mua bán người; còn trường hợp thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột lại không được coi là hành vi mua bán người. Điều này vô tình làm hẹp đi phạm vi tội phạm theo quy định tại Công ước.
Do đó, cần mở rộng phạm vi xử lý hình sự về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi đối với hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
TIN LIÊN QUAN | |
Những chiêu trò ‘săn mồi’ của tội phạm mua bán người |
Thứ hai, các quy định của pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tương thích, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là quy định về độ tuổi nạn nhân bị mua bán là trẻ em tại Điều 151 BLHS năm 2015 là những người dưới 16 tuổi, trong khi pháp luật quốc tế quy định độ tuổi nạn nhân bị mua bán là trẻ em phải là những người dưới 18 tuổi.
Như vậy, BLHS đang có chính sách xử lý tội mua bán người từ 16 đến dưới 18 tuổi tại Điều 150 “Tội mua bán người”. Trong khi đó, việc mua bán người dưới 18 tuổi theo các thông lệ quốc tế cũng như các điều ước quốc tế là mua bán trẻ em và có chế tài xử lý nặng nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất đối với đối tượng này.
Do vậy, cần thiết phải nâng độ tuổi nạn nhân bị mua bán tại Điều 151 là người dưới 18 tuổi thay vì quy định là người dưới 16 tuổi và sửa tên tội danh cho phù hợp.
Thứ ba, trách nhiệm hình sự giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự chưa được phân hoá rõ ràng. Khoản 1 điều 150 và khoản 1 điều 151 BLHS năm 2015 thì người thực hiện hành vi mua bán người vì nhiều mục đích khác nhau, trong đó có các mục đích “để bóc lột tình dục”, “để cưỡng bức lao động” hoặc “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”.
Đối với hai mục đích “để bóc lột tình dục” và “để cưỡng bức lao động” thì cả hai điều luật này lại không tiếp tục quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “đã bóc lột tình dục” hoặc “đã cưỡng bức lao động” nếu việc bóc lột tình dục hoặc cưỡng bức lao động đã được thực hiện trên thực tế…
Nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được đánh giá là mang tính đột phá, toàn diện đã chứng tỏ quyết tâm của Việt Nam giải quyết vấn đề này thông qua hợp tác quốc tế đa phương. Các hiệp định song phương mà Việt Nam đã ký kết là những công cụ pháp lý quan trọng phục vụ cho việc ngăn ngừa, phát hiện, điều tra, truy tố và trừng trị những kẻ mua bán người.
Ngoài ra, Việt Nam thường xuyên trao đổi về chủ trương, nỗ lực, thành tựu trong phòng chống mua bán người trong các phiên Đối thoại nhân quyền với Mỹ, EU, Australia cũng như các buổi tiếp xúc, làm việc với đối tác nước ngoài, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người.
Một khung pháp lý hiệu quả và sự hợp tác, liên kết phòng chống nạn mua bán người hiện nay là biện pháp hiệu quả và cấp thiết, do đó cơ chế hợp tác tạo nên nền móng quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tài liệu tham khảo
1. Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
2. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.
3. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015.
4. Vũ Ngọc Dương (2019), Tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em theo Công ước ACTIP và thực tiễn thực hiện tại Việt Nam, Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Số 1+2, tr.37-41.
5. Vĩnh Hoàng, Hoàng Giang (2021), Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, xem tại: https://baochinhphu.vn/tiep-tuc-hoan-thien-phap-luat-ve-phong-chong-mua-ban-nguoi-102296531.htm, truy cập ngày 19/6/2023.
(*) Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
(**) Giảng viên Khoa Đào tạo Đại học, Học viện Toà án