Trong năm 2025, TP HCM phấn đấu trở thành “Thành phố điện ảnh” và đề nghị UNESCO công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới
“Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa và thể thao TP HCM” do Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM tổ chức đã diễn ra vào ngày 20-12.
Triển khai đề án phát triển công nghiệp văn hóa
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, cho biết năm 2024, ngành VH-TT thành phố đã đạt được nhiều thành quả đáng chú ý, như: các bảo tàng thuộc Sở VH-TT đã miễn phí vé tham quan cho 12.517 lượt khách; các đơn vị nghệ thuật thu hút hơn 15.000 lượt khách tham gia các loại hình thử nghiệm, tương tác với những nhạc cụ dân tộc và các loại hình nghệ thuật truyền thống; khoảng 84.000 lượt khán giả thưởng thức các chương trình biểu diễn phục vụ tại quận, huyện, chương trình phục vụ nông thôn mới, đình làng…
Sở VH-TT cũng đã chủ trì phối hợp nhiều chương trình nghệ thuật, thể thao đặc sắc; đặc biệt là các chương trình “Xuân quê hương” tại thành phố, cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá các tác phẩm văn học – nghệ thuật, Liên quan Âm nhạc quốc tế Hò Dô 2024, Liên hoan Phim quốc tế TP HCM lần 1-2024, Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần 1…
Về công nghiệp văn hóa, năm 2024 đánh dấu sự chuyển biến từ chính sách vào thực tiễn, trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Sở VH-TT đã tham mưu UBND TP HCM triển khai thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP HCM năm 2024-2025. Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa bao gồm 8 lĩnh vực: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Phấn đấu cấp độ tăng trưởng bình quân 14% doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2025 đạt 53.200 tỉ đồng.
Xây dựng con người văn hóa
Cũng theo ông Võ Trọng Nam, trong năm 2025, Sở VH-TT TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động trong đề án tổng thể các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; triển khai có hiệu quả ngành công nghiệp văn hóa – tiền đề phát triển thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy thị trường văn hóa theo mô hình dịch vụ văn hóa…
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng 2025 là một năm bận rộn với nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, bà đề xuất Sở VH-TT TP HCM cần thực hiện hiệu quả đề án tổng thể chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Ngành VH-TT TP HCM cũng cần quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của các cơ sở văn hóa lịch sử, các địa chỉ di tích trên địa bàn. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn, triển lãm, bảo tàng… cần đa dạng thể loại, đặc sắc về nội dung, để thu hút nhà đầu tư và người xem. Các loại hình kịch nói, cải lương… cần được quan tâm tạo điều kiện biểu diễn” – bà Trần Thị Diệu Thúy gợi mở.
“Các nội dung liên quan việc TP HCM đăng ký tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh và hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới, Ban Giám đốc Sở VH-TT TP HCM cần đẩy nhanh tiến độ” – bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, cho hay mục tiêu năm 2025 của ngành VH-TT là tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người TP HCM tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc tạo động lực phát triển TP HCM trong kỷ nguyên mới.
Phát triển phong trào thể thao cho người dân
TP HCM là một trong những trung tâm VH-TT hàng đầu của cả nước với đa dạng các hoạt động xuyên suốt năm 2024.
Mục tiêu “Mỗi người dân TP HCM được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản ít nhất một môn thể dục thể thao, một loại hình nghệ thuật…” đã được Sở VH-TT TP HCM chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc và bài bản, giúp 104.288 người tham gia tập luyện ở nhiều môn như: võ tự vệ, bơi, bắn cung, điền kinh, taekwondo, muay, yoga, chèo thuyền…
Trong năm 2024, ngành thể thao TP HCM còn đẩy mạnh công tác phát triển các môn mới (thể thao giải trí, thể thao biểu diễn, thể thao mạo hiểm) như: pickleball, teqball, thể thao điện tử, câu cá thể thao, thuyền sub, thuyền buồm, hockey…
Ở khía cạnh thành tích cao, nhiều vận động viên xuất sắc của thành phố đã và đang khẳng định vị trí, tên tuổi ở nhiều đẳng cấp khác nhau trên đấu trường thể thao trong nước và quốc tế. Trong năm 2024, thành tích tại các giải quốc gia mà những đội tuyển TP HCM đạt được: 1.440 HCV, 1.174 HCB, 1.293 HCĐ; thành tích tại các giải quốc tế là 184 HCV, 121 HCB và 93 HCĐ. Đáng chú ý là tại Paralympic Paris 2024 ở Pháp, các tuyển thủ TP HCM xuất sắc mang về 1 HCĐ ở môn cử tạ.
Nhiều cá nhân, tập thể được khen thưởng về thành tích đạt được trong năm 2024: Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP HCM nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Trung tâm TDTT Thống Nhất và 3 cán bộ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
VĐV khuyết tật Lê Văn Công và HLV Lê Quang Thái được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP HCM.
Đào Tùng
Nguồn: https://nld.com.vn/su-menh-quan-trong-cua-van-hoa-tp-hcm-196241220205658175.htm