Hướng tới kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023)
14:41, 12/06/2023
BHG – Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam (CMVN) – là người đã khai sinh ra nền báo chí CMVN. Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, mà Hồ Chí Minh còn đào tạo thế hệ làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Người, báo chí CMVN đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén để lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc; truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin; cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, lập nên những kỳ tích, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962). ảnh: Tư Liệu |
Theo Người, đề tài xuyên suốt và nguồn cảm hứng vô tận để báo chí CMVN khai thác và tuyên truyền đó là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Do đó, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được. Người cho rằng, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng.
Để đạt được điều đó, báo chí CMVN phải được đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Người nhấn mạnh nguyên tắc: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Theo đó, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Văn phong báo chí độc đáo của nhà báo lớn Hồ Chí Minh luôn hướng đến mục đích cao cả phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. ảnh: Tư Liệu |
Người nhấn mạnh, báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân – đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính Đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Về phần mình, hướng dẫn để báo chí và đội ngũ các nhà báo thực hiện đắc lực cho cách mạng, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân tức là Đảng đã làm tốt vai trò lãnh đạo báo chí.
Trong bối cảnh mới, thời cơ đan xen thách thức, giới báo chí và các cấp luôn khắc cốt ghi tâm thực hiện tốt những lời dạy của Người, cán bộ báo chí phải có ý chí tự lập, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, làm tròn nhiệm vụ. Đại hội XII (2016) và Đại hội XIII (2021) của Đảng đều chỉ rõ: Các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Do đó, hơn lúc nào hết, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí cách mạng theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan, báo chí, các cấp Hội Nhà báo. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng – văn hóa của Đảng. Học tập Người về cách viết, cách dùng từ, lối tư duy làm báo, đặc biệt là học Bác về tinh thần lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Với tinh thần lạc quan, những người đang và sẽ chọn nghề báo sẽ có thêm sự tin tưởng và động lực để cống hiến, làm tròn nhiệm vụ của mình trong sự đổi mới, phát triển của đất nước.
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)