Sau ngày 30/12/1972, Mỹ ngừng ném bom miền bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, các lực lượng phòng không có nhiệm vụ khắc phục khí tài bị hỏng. Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhận nhiệm vụ tăng cường cho Quân khu 4. Ông được điều vào Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 267 ở Nghĩa Đàn, Nghệ An tiếp tục đánh B-52 lúc này đang rải bom phá hoại các tuyến giao thông vận tải của ta từ Thanh Hóa trở vào.
Chỉ trong 2 ngày, Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhanh chóng làm quen với khí tài, xem lại phương án tác chiến, cùng đồng đội sẵn sàng trực chiến. Ngày 10/1/1973, B52 vào đánh Nghệ An, nhưng chúng chỉ ném bom ở Vinh rồi quay ra. Trong điều kiện tham số không thuận lợi, Tiểu đoàn của Đại tá Kiên đánh không trúng mục tiêu. Sau trận đánh cuối cùng đó trên bầu trời miền bắc, Tiểu đoàn của ông lại nhận nhiệm vụ quay ra Hà Nội.
Sau năm 1975, đất nước Việt Nam vừa thống nhất đã phải tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới bảo vệ Biên giới Tây Nam và sau đó là bảo vệ Biên giới phía bắc. Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, giai đoạn này, nhiệm vụ của lực lượng phòng không-không quân nặng nề gấp đôi: “Trước đây, chúng ta chỉ bố trí hệ thống phòng không bao gồm ra đa, sân bay, dẫn đường, trận địa cao xạ… từ vĩ tuyến 17 trở ra. Nhưng sau khi giải phóng miền nam, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ vùng trời, vùng biển cả nước. Chúng ta phải triển khai nhiệm vụ dựa trên lực lượng ta có, và huy động thêm lực lượng mới”.
Không quân ta đã tiếp quản gần 1.000 máy bay (cả trực thăng, máy bay vận tải, máy bay cường kích và tiêm kích) của Mỹ-Ngụy thu được để khai thác sử dụng; bố trí lực lượng để tiếp quản các sân bay hiện đại của chế độ cũ.
Tách 2 quân chủng là một quyết định sáng suốt, kịp thời của Bộ Quốc phòng để triển khai nhanh thế trận phòng không-không quân, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh mới nổ ra.
Với nhiệm vụ tăng lên “gấp đôi”, tháng 6/1977, Bộ Quốc phòng tách Quân chủng Phòng không-Không quân thành 2 quân chủng. Quân chủng Phòng không có nhiệm vụ bố trí xây dựng lực lượng phòng không của cả nước. Quân chủng Không quân làm nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia, đồng thời sẵn sàng tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. “Tách 2 quân chủng là một quyết định sáng suốt, kịp thời của Bộ Quốc phòng để triển khai nhanh thế trận phòng không-không quân, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh mới nổ ra”, Trung tướng Soát chia sẻ.
Nhờ đó, chúng ta đã liên tiếp lập được những chiến công rất quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Lực lượng không quân tiếp quản máy bay F5, A37 đã yểm trợ hiệu quả lực lượng phòng không để giành chiến thắng. Đặc biệt, trong trận đánh vào đảo Thổ Chu, lực lượng không quân với các phi công lái máy bay A37, cất cánh từ sân bay Cần Thơ ném bom tấn công vào các ụ phòng thủ kiên cố trên đảo, ngăn chặn pháo và súng cối của kẻ địch bắn ra, tạo thuận lợi để bộ đội ta giành chiến thắng.
Khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra năm 1979, lực lượng không quân của ta khá hùng hậu. Ngoài máy bay MiG-21, các máy bay A37, F5… từ miền nam đã được điều ra sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài bây giờ), sân bay Kép (Bắc Giang) để sẵn sàng ứng phó nếu kẻ địch có ý định xâm phạm bầu trời Hà Nội.
Năm 1999, trên cơ sở tình hình đất nước đã ổn định, nhiệm vụ của lực lượng phòng không-không quân cơ bản giống nhau, nên Quân chủng Phòng không-Không quân được hợp nhất.
Nguồn: https://nhandan.vn/su-menh-bao-ve-bau-troi-to-quoc-trong-trai-tim-nhung-nguoi-anh-hung-post839263.html