“Đình làng gốc gạo cây đa,
Nơi hồn quê gọi, thiết tha nghĩa tình.
Mái đình che bóng dân mình,
Nghiêng soi bóng nước, lung linh trời chiều.”
Những câu thơ mộc mạc ấy như gợi lên hình ảnh thân thuộc của những ngôi đình làng Bắc Bộ – nơi hồn quê mộc mạc trên từng mái ngói, cột kèo. Nơi tâm linh và thẩm mỹ hòa quyện trong một không gian yên bình, trang nghiêm. Kiến trúc đình làng không chỉ là một biểu tượng văn hóa đặc trưng mà còn là nơi ghi dấu lịch sử, lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Việt từ ngàn xưa. Mỗi ngôi đình là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng và là không gian tôn thờ, nơi hội tụ và truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc tìm hiểu và bảo tồn kiến trúc đình làng trở thành nhiệm vụ cấp thiết chung của xã hội, nhằm duy trì và phát huy những giá trị tinh thần quý báu mà cha ông đã để lại.
Ngược dòng lịch sử, các đình làng ở Bắc Bộ thường được xây dựng từ thời Lê đến thời Nguyễn, khi làng xã Việt Nam bắt đầu ổn định và phát triển mạnh mẽ. Đình làng vừa là nơi thờ cúng thành hoàng – vị thần bảo trợ cho làng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi diễn ra các lễ hội và hội họp quan trọng của cộng đồng. Kiến trúc đình làng thường được đặt ở vị trí trung tâm của làng, biểu tượng cho sự uy nghiêm và sức mạnh cộng đồng làng xã.
Bước vào không gian đình làng, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự tinh xảo của kiến trúc, nghệ thuật thủ công, nơi mà từng chi tiết nhỏ đều được chăm chút tỉ mỉ. Những cột đình, được làm từ gỗ lim vững chắc, vừa là trụ cột của công trình vừa là biểu tượng của sức mạnh, bền bỉ và sự trường tồn. Trên những cột gỗ ấy, các nghệ nhân xưa đã khắc họa những hình ảnh rồng, phượng, hoa lá – biểu tượng của quyền uy, sự phồn thịnh và hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Mỗi chi tiết trang trí đều mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn đối với các vị thần linh đã bảo hộ cho làng quê.
Mái đình, với những lớp ngói mũi hài xếp chồng lên nhau, tạo nên dáng vẻ cong vút, thanh thoát như những cánh chim đang sải cánh bay. Mái ngói không chỉ có tác dụng che mưa, che nắng mà còn là yếu tố thẩm mỹ quan trọng, tạo nên vẻ đẹp truyền thống cho ngôi đình. Dưới mái ngói đó, không gian bên trong đình làng trở nên ấm cúng, gần gũi, là nơi mà người dân làng quê có thể cùng nhau tụ họp, bàn luận những công việc của làng, tổ chức các lễ hội và nghi lễ quan trọng.
Những bức hoành phi, câu đối treo trong đình có giá trị về mặt thẩm mỹ nghệ thuật, cũng đóng vai trò như những lời răn dạy, những giá trị đạo đức mà cha ông muốn truyền lại cho các thế hệ sau. Trên đó, từng chữ, từng câu được viết bằng thư pháp với nét bút uyển chuyển, mềm mại, mang đậm tinh thần Nho giáo. Những bài học về nhân sinh, đạo đức, về lòng trung thành, hiếu nghĩa được đặt lên vị trí uy nghiêm trang trọng, thể hiện tinh thần tôn trọng đạo đức, lễ nghĩa, phong tục tập quán. Thể hiện đời sống văn hoá có tôn ti trật tự, tinh thần ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn của dân ta từ nhiều thế hệ xưa.
Bên cạnh giá trị tâm linh và thẩm mỹ, đình làng Bắc Bộ còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, là sợi dây gắn kết cộng đồng làng xã. Vào những dịp lễ hội, đình làng trở thành trung tâm của mọi hoạt động, từ các nghi thức cúng tế trang nghiêm đến các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là không gian văn hóa sống động, nơi mà người dân làng quê có thể cùng nhau vui chơi, đồng thời giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của hồn quê Việt.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại là những thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các ngôi đình làng Bắc Bộ. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến cho nhiều ngôi đình bị xuống cấp, mất đi vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu. Việc bảo tồn kiến trúc đình làng không chỉ là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân, những người đang trực tiếp thừa hưởng và tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông.
Trong dòng chảy của thời gian, những ngôi đình làng Bắc Bộ vẫn đứng đó, như những chứng nhân lịch sử, ghi dấu những biến thiên của thời đại. Sự hòa quyện giữa tâm linh và thẩm mỹ trong kiến trúc đình làng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân và là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu nghệ thuật. Bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng Bắc Bộ là giữ gìn một di sản văn hóa và thông qua đó còn là giữ gìn tâm hồn, bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Hoàng Anh