Bà Cao Hồng Vinh – Trưởng ban Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam”. (Ảnh: NVCC)
Ra mắt từ tháng 7/2022, Ban liên lạc người Việt châu Âu “vì biển đảo Việt Nam” đã có những hoạt động nổi bật gì, thưa bà?
Với mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển, đảo Tổ quốc trong cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế tại các nước châu Âu, Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” được thành lập với thành viên nòng cốt từ 12 quốc gia, là đại diện các lãnh đạo các câu lạc bộ (CLB) Trường Sa từ các nước.
Đó là CLB Trường Sa tại Đức, CLB Hoàng Sa – Trường Sa tại Ba Lan, CLB Hoàng Sa – Trường Sa tại Czech, CLB Yêu biển đảo Việt Nam tại Pháp…
Ban liên lạc trở thành diễn đàn giúp các thế hệ người Việt làm việc và sinh sống ở nước ngoài, có thể dễ dàng tìm hiểu về sự đổi thay của quê hương, tình hình nơi biên cương hải đảo.
Tuy mới thành lập, nhưng Ban liên lạc đã gắn kết và tổ chức những hoạt động ý nghĩa hướng về biển, đảo Tổ quốc.
Ngày 7/1, Ban liên lạc đã đến Cam Ranh trao tặng những phần quà Tết cho con em, cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và các cháu học sinh tiểu học là con em cán bộ chiến sĩ Trường Sa. Đây là những món quà thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người con sống xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc, về biển, đảo quê nhà với những việc làm thiết thực.
Vào tháng 6/2023, Ban liên lạc tổ chức Hội thảo quốc tế “Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam” tại Pháp. Trong đó, tổ chức buổi gặp mặt mang tên “Bâng khuâng Trường Sa”.
Buổi giao lưu là sáng kiến mà Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam tổ chức, dành cho kiều bào nhiều nước khác nhau có dịp xem lại những thước phim về vùng biển thân thương của Tổ quốc và nhắc về những kỷ niệm của chuyến đi.
Tại đây, người đứng đầu và thành viên các CLB yêu biển đảo Việt Nam ở nhiều nước có cơ hội chia sẻ về nhiều hoạt động đã, đang và sẽ làm để ủng hộ quân và dân biển đảo quê hương…
Một bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Ngọc Hân, lấy cảm hứng từ tình yêu biển đảo, in hình con tem bản đồ Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lưu hành tại Pháp được trình diễn tại đây.
Hội thảo quốc tế “Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam” của Ban liên lạc đã đoạt giải Ba hạng mục Sáng kiến, Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ IX, hẳn là sự động viên rất lớn đến với các thành viên?
Khi Hội thảo được nhận giải Ba, Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ IX, tất cả thành viên trong Ban liên lạc ai cũng rất cảm động. Chúng tôi cảm thấy công việc của mình có giá trị, có sức lan toả hơn.
Việc tận mắt chứng kiến thực tế tại Trường Sa giúp kiều bào chúng tôi nhận thức đúng đắn về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của đất nước, khâm phục và tự hào về các cán bộ chiến sĩ Trường Sa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường sự gắn bó, nâng cao ý thức trách nhiệm của kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải làm những điều ý nghĩa cho biển đảo Việt Nam.
Bà có thể cho biết về sức lan toả của Hội thảo quốc tế Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam?
Hội thảo được chuẩn bị trong vòng sáu tháng với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về châu Á, Biển Đông, nhà kinh tế học, nhà địa chất từ các nước: Pháp, Ba Lan, Đức, Italy, Czech, Việt Nam và các nhà ngoại giao, cộng đồng người Việt ở nhiều nước.
Tại Hội thảo, các học giả gồm giáo sư, tiến sĩ và nhà nghiên cứu về châu Á và Biển Đông cùng với các nhà giáo dục và kinh tế học người Việt và nước ngoài đã trình bày những bài tham luận có giá trị khoa học cao, đề cập nhiều góc nhìn về Biển Đông và vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam về mặt lịch sử, pháp lý, chính trị, văn hóa…
Các học giả có những trao đổi về thông tin mới nhất liên quan đến tình hình Biển Đông, đồng thời gợi ý những giải pháp để xử lý tranh chấp, trên cơ sở gìn giữ hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả các phương án phát triển kinh tế biển.
Hội thảo là dịp cập nhật, trao đổi những thông tin mới nhất về tình hình Biển Đông. Thông qua những hình ảnh, chia sẻ của người từng thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 về cuộc sống của quân và dân ta trên huyện đảo Trường Sa, Hội thảo lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội thảo là nơi kết nối, giao lưu, củng cố và tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại châu Âu nói riêng. Nhiều báo chí nước ngoài ở châu Âu đưa tin bài về sự kiện, qua đó, bạn bè thế giới biết được những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Thời gian tới, Ban liên lạc có hoạt động gì hướng về biển đảo quê hương?
Dự kiến tháng 12/2023, Ban liên lạc sẽ phát hành kỷ yếu Hội thảo để tiếp tục lan toả các thông tin tới các bạn bè quốc tế.
Đầu tiên là phiên bản tiếng Pháp, sau đó sẽ là phiên bản tiếng Anh, tiếng Việt. Chúng tôi sẽ gửi kỷ yếu Hội thảo đến Đại sứ quán các nước, để mọi người có được những thông tin về biển đảo Việt Nam.
Cuối tháng 1/2024, thành viên Ban liên lạc sẽ trở về Việt Nam và trao quà Tết, học bổng cho các con em chiến sĩ cán bộ Trường Sa tại Cam Ranh, Khánh Hoà.
Baoquocte.vn