Mới đây, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận cấp cứu một ca vỡ trực tràng do thải độc bằng thụt tháo cà phê. Bệnh nhân (BN) là nữ, 38 tuổi, đã 3 lần sử dụng phương pháp thụt tháo bằng cà phê tại một phòng khám tư, mỗi lần cách nhau một tuần. Ở lần thứ ba, ngay trong quá trình thực hiện, BN đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn. Tại BV Bạch Mai, BN được ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới gây áp xe khoang sau phúc mạc, được phẫu thuật cấp cứu và làm hậu môn nhân tạo.
Bác sĩ (BS) lưu ý, từ một người bình thường khỏe mạnh, chỉ vì tin vào những thông tin quảng cáo vô căn cứ trên mạng xã hội mà BN đã phải chịu đựng 2 cuộc mổ nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hiện tại và sau này.
HIỂU ĐÚNG VỀ HỆ THỐNG TIÊU HÓA
Theo BS Nguyễn Thành Khiêm, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa – gan mật tụy, BV Bạch Mai, hệ thống tiêu hóa hoặc đường tiêu hóa giúp phân hủy và hấp thụ thức ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đường tiêu hóa bắt đầu từ miệng, đi qua thực quản, dạ dày rồi đến ruột non, ruột già. Hệ thống tiêu hóa giúp đào thải các chất cặn bã từ thức ăn, đồ uống. Quá trình đào thải liên quan đến ruột già, còn được gọi là đại tràng, ruột kết, kết thúc ở trực tràng. Ruột già dài gần 2 m là nơi có hàng nghìn tỉ vi khuẩn sống tạo thành hệ vi sinh vật với chức năng chính là phân hủy thức ăn.
Ngoài ra, ruột già cũng hấp thụ chất điện giải, nước và chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin K và các vitamin tan trong chất béo khác. Thức ăn sau khi đã được “vắt kiệt” chất dinh dưỡng và nước chỉ còn phần cặn bã (phân) di chuyển qua ruột già đến đoạn ruột tận cùng gọi là trực tràng – nơi có các cảm biến đặc biệt với sức căng sẽ cung cấp tín hiệu để đi ngoài khi khối lượng phân đủ lớn.
Hệ vi sinh vật trong hệ thống tiêu hóa cũng là một phần thiết yếu của hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Thụt tháo không làm sạch cơ thể
Qua thực tế điều trị, các BS cảnh báo hiện đang phổ biến trào lưu thụt cà phê để làm sạch ruột già khỏi tạp chất, vi khuẩn và chất thải tích tụ. BS khẳng định không có bất kỳ bằng chứng, căn cứ khoa học nào chứng minh hiệu quả của việc thụt tháo này. Đại tràng và các cấu trúc đường tiêu hóa khác đã có sẵn chức năng tự làm sạch một cách hiệu quả – đó là lý do tại sao quá trình tiêu hóa tạo ra chất thải (phân).
BS lưu ý thêm: Đại tràng bình thường sẽ tự làm sạch một cách tự nhiên. Thông thường, quy trình để tiêu hóa và bài tiết hết thức ăn sẽ mất khoảng 3 ngày. Hành trình này được gọi là thời gian lưu thông ruột. Nó cho phép thức ăn được tiêu hóa triệt để với tất cả protein, carbohydrate, chất béo, nước, vitamin và khoáng chất được chiết xuất, sử dụng hoặc dự trữ.
Khi thời gian lưu thông ruột bị ảnh hưởng, có thể gây ra một số tình trạng như: tiêu chảy; táo bón; buồn nôn, ói mửa hoặc đau bụng. Một số hội chứng có thể ảnh hưởng đến tốc độ thức ăn lưu thông qua đường tiêu hóa như: hội chứng ruột kích thích hay bệnh ruột kích thích; liệt dạ dày (dạ dày mất quá nhiều thời gian làm rỗng khỏi thức ăn); chứng khó tiêu, đầy bụng…
Ngoài ra, nhiều người có thể bị táo bón mãn tính (tình trạng không đi vệ sinh đủ thường xuyên: khoảng 3 lần hoặc ít hơn mỗi tuần). Do nước được hấp thụ trong ruột già nên phân ở trong ruột già càng lâu thì nước càng được rút ra nhiều hơn, làm phân khô hơn, khiến đi ngoài khó hơn nên phải rặn khi đi tiêu, có thể gây ra bệnh trĩ và chảy máu.
Việc làm sạch ruột già (thụt tháo) có thể qua uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ qua đường miệng hoặc thụt rửa trực tiếp qua hậu môn vào ruột già. Nhưng việc thụt tháo phải có chỉ định của BS, trong một số trường hợp như: táo bón (khi điều trị táo bón bằng các biện pháp khác không hiệu quả hoặc trong một số bệnh như phình giãn đại tràng); thụt thuốc cản quang để chụp khung đại tràng; làm sạch trước khi nội soi, phẫu thuật…
Thụt rửa ruột già đòi hỏi thực hiện trong môi trường, công cụ, dụng cụ và chất lỏng đưa vào phải đảm bảo vệ sinh, nhiệt độ, tính kích ứng… Các cơ sở y tế không được cấp phép hoặc không thực hiện đúng quy trình có thể đưa vi khuẩn có hại vào đường tiêu hóa của người bệnh. Chưa kể, lượng chất lỏng chảy ra từ quá trình thụt rửa đại tràng có thể cuốn trôi vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh ra khỏi ruột già.
Nguy cơ nguy hiểm nhất khi thụt tháo là chọc thủng ruột trong lúc đưa ống dẫn dịch rửa qua hậu môn vào trực tràng. Các triệu chứng sớm của thủng ruột bao gồm: đau, sốt, ớn lạnh và buồn nôn. Thủng ruột là một trường hợp khẩn cấp và có thể gây tử vong.
Có nhiều cách tiếp cận tốt hơn để giảm cân bền vững và lành mạnh như: ăn nhiều trái cây và rau quả, tăng lượng chất xơ và nước, ngủ đủ 6 – 8 tiếng vào ban đêm và tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần. Một lối sống lành mạnh sẽ dẫn đến một hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Thụt tháo đường hậu môn không phải là phương pháp giảm cân trong y khoa. Calo chủ yếu được hấp thụ ở ruột non, trong khi thụt tháo chỉ làm sạch ruột già, không có tác dụng giảm cân. Việc thụt tháo bằng cà phê có rất nhiều rủi ro nghiêm trọng đã được khẳng định bao gồm: mất nước và mất cân bằng điện giải; bỏng, loét, rách trực tràng, hẹp đại tràng, nhiễm trùng huyết dẫn đến phải nhập viện cấp cứu và phẫu thuật.
(Nguồn: Khoa Phẫu thuật tiêu hóa – gan mật tuy, Bệnh viện Bạch Mai)