Ông Antonio Guterres cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP rằng thật “không thực tế” khi nghĩ rằng Liên hợp quốc có thể đóng vai trò quản lý lãnh thổ hoặc cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình ở Gaza, vì Israel khó có thể chấp nhận đảm nhiệm một vai trò của Liên hợp quốc.
Nhưng ông cho biết “Liên hợp quốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào”. Liên hợp quốc đã có một phái bộ giám sát quân sự ở Trung Đông, được gọi là UNTSO, kể từ năm 1948 và ông cho biết, “về phía chúng tôi, đây là một trong những giả thuyết mà chúng tôi đưa ra”.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà cộng đồng quốc tế yêu cầu”, ông Guterres nói. “Câu hỏi đặt ra là liệu các bên, đặc biệt là Israel có chấp nhận hay không”.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của lệnh ngừng bắn, ông Guterres cho biết: “Sự đau khổ mà chúng ta đang chứng kiến ở Gaza là chưa từng có trong nhiệm kỳ của tôi với tư cách là Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tôi chưa bao giờ chứng kiến mức độ tử vong và tàn phá như chúng ta đang thấy ở Gaza trong vài tháng qua”.
Theo cơ quan y tế Gaza, cuộc chiến đã giết chết hơn 40.900 người Palestine, tàn phá gần như hoàn toàn lãnh thổ này và khiến khoảng 90% dân số – 2,3 triệu người – ở nơi đây phải sơ tán.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cáo buộc Liên hợp quốc chống lại Israel và chỉ trích gay gắt các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại Gaza. Ông tuyên bố rằng “sẽ không ai rao giảng cho tôi”.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine không chỉ khả thi, mà còn “là giải pháp duy nhất”. Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về việc công nhận Nhà nước Palestine, chính quyền ông Netanyahu nhiều lần tuyên bố bác bỏ khả năng này.
Tổng thư ký LHQ đã hỏi rằng liệu các giải pháp thay thế có khả thi hay không. “Điều đó có nghĩa là 5 triệu người Palestine đang sống ở đó nhưng không có bất kỳ quyền nào trong nhà nước”, ông nói. “Liệu điều đó có khả thi không? Chúng ta có thể chấp nhận một ý tưởng tương tự như những gì chúng ta đã có ở Nam Phi trong quá khứ không?”
Ông ám chỉ đến chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi từ năm 1948 cho đến đầu những năm 1990, khi mọi quyển lực đều nằm trong tay người da trắng còn người da đen bị tước bỏ rất nhiều quyền, trong đó có quyền bầu cử.
“Tôi không nghĩ rằng hai dân tộc có thể chung sống với nhau nếu họ không có sự bình đẳng và tôn trọng”, ông Guterres nói. “Vì vậy, theo tôi, giải pháp giữa hai nhà nước là điều bắt buộc nếu chúng ta muốn có hòa bình ở Trung Đông”.
Hà Trang (theo AP, CNA)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-su-dau-kho-o-gaza-la-dieu-toi-te-nhat-ma-toi-tung-chung-kien-post311547.html