Ngày 6-3, hãng tin Reuters cho biết, chủ tài khoản của các mạng xã hội Facebook và Instagram thuộc sở hữu của Tập đoàn Meta đã có thể sử dụng trở lại, sau khi các mạng xã hội này ngừng hoạt động hơn 2 giờ do sự cố kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người dùng trên toàn cầu.
Cổ phiếu Meta sụt giảm
Theo chia sẻ của một số tài khoản trên mạng xã hội X mà hãng Reuters ghi nhận được, sự cố xảy ra vào khoảng 15 giờ GMT ngày 5-3 (22 giờ, giờ Việt Nam). Vào thời điểm đó, các tài khoản Facebook và Instagram bị đột ngột đăng xuất và không thể đăng nhập lại. Theo thống kê của trang web chuyên theo dõi tình trạng ngừng hoạt động Downdetector.com, vào lúc cao điểm của sự cố, có hơn 550.000 báo cáo về việc Facebook gián đoạn, trong khi con số này với Instagram là 92.000.
“Đã có một sự cố kỹ thuật khiến mọi người gặp khó khăn khi truy cập một số dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề này cho những người bị ảnh hưởng”, Andy Stone, người phát ngôn của Meta, thông báo về vụ gián đoạn trên mạng xã hội X mà không nêu cụ thể về sự cố đã xảy ra. Theo Downdetector, các mạng xã hội khác thuộc sở hữu của Meta là WhatsApp và Threads cũng gặp sự cố tương tự nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Theo kênh CNN, việc các nền tảng lớn ngừng hoạt động (hiếm khi xảy ra) thường là kết quả của một sự cố “lành tính”, như cập nhật phần mềm chẳng hạn. Năm 2021, Facebook, Instagram và WhatsApp đã ngừng hoạt động gần 6 giờ, sự cố mà Meta khẳng định với người dùng là không đến từ “hoạt động gây hại”. Mới nhất, cuối tháng trước, người sử dụng dịch vụ của nhà mạng viễn thông Mỹ AT&T (có 100 triệu khách hàng) cũng đã gặp sự cố mạng ngừng hoạt động, khiến nhiều khách hàng không thể thực hiện cuộc gọi, gửi tin nhắn hoặc truy cập internet. Vụ việc khiến nhiều cơ quan an ninh Mỹ phải vào cuộc điều tra xem có tấn công mạng hay không. Tuy nhiên, ít giờ sau, AT&T thông báo đã khôi phục lại hoàn toàn dịch vụ.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi sự cố gián đoạn của Meta. Theo tờ The Guardian, vụ việc xảy ra trùng với ngày diễn ra cuộc bầu cử Siêu thứ ba khi hàng triệu người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu sơ bộ ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ. Một người phát ngôn của Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng của Mỹ nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi không biết về bất kỳ mối liên hệ nào với bầu cử hoặc bất cứ hoạt động gây hại cụ thể nào”.
Theo tờ Daily Mail, giá trị cổ phiếu của Meta đã giảm 1,5% trong phiên giao dịch chiều 5-3 (giờ Mỹ). Dẫn lời ông Dan Ives, Giám đốc điều hành Wedbush Securities, Daily Mail, cho biết tỷ phú Mark Zuckerberg đã mất khoảng 100 triệu USD chỉ sau gần 2 giờ các nền tảng mạng xã hội của Meta gặp sự cố. Khối tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã giảm 1,56% (tương đương mức giảm 2,7 tỷ USD). Hiện ông chủ Meta đang nắm trong tay 171,9 tỷ USD và là người giàu thứ 4 thế giới.
Tấn công mạng gây thiệt hại lớn
Trong lúc vụ gián đoạn của Meta chưa rõ nguyên nhân thì các vụ tấn công mạng vẫn tiếp tục xảy ra trên thế giới. Mới nhất, ngày 5-3, Cơ quan tình báo Tài chính Canada FINTRAC – nơi giám sát các giao dịch bất hợp pháp của ngân hàng, thông báo hệ thống của họ phải tạm ngừng hoạt động do sự cố về mạng từ cuối tuần qua. Dù chi tiết vụ việc chưa được làm rõ, nhưng FINTRAC cho biết đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên bang, gồm cả Trung tâm An ninh mạng Canada, để bảo vệ và khôi phục lại tình trạng hoạt động của hệ thống.
FINTRAC là trung tâm phân tích báo cáo và giao dịch tài chính (một cơ quan của Chính phủ Canada), được thành lập để phát hiện và điều tra các hoạt động rửa tiền và các tội phạm tương tự. Việc nhằm vào cơ quan này là diễn biến mới nhất trong một loạt các vụ tấn công mạng gần đây nhằm vào các cơ quan liên bang Canada, tiếp sau vụ tấn công mạng nhằm vào lực lượng Cảnh sát Canada (RCMP) hồi cuối tháng trước.
Các vụ tấn công mạng luôn để lại nhiều thiệt hại. Theo thống kê của Cybersecurity Ventures, thiệt hại do các vụ tấn công mạng gây ra trong năm 2023 ước tính vào khoảng 8.000 tỷ USD. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP toàn cầu năm 2023 là 105.000 tỷ USD. Như vậy, thiệt hại bởi các vụ tấn công mạng năm 2023 chiếm tới 8% GDP của toàn thế giới. Các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và các trường đại học vẫn là các mục tiêu hàng đầu bị nhắm tới, vì các nhóm đe dọa dường như vẫn đang coi đây là các mục tiêu tiếp cận ban đầu dễ dàng hơn để tìm hiểu về chính sách hay khoa học và cộng đồng công nghệ của một quốc gia.
Các hình thức tấn công mạng phổ biến gồm: đánh cắp danh tính, tấn công lừa đảo, mã độc, xâm phạm email doanh nghiệp và tấn công từ chối dịch vụ. Có thể nói, việc bảo vệ an ninh mạng đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các mối đe dọa trên không gian mạng ngày một gia tăng.
MINH CHÂU tổng hợp