Nhà sưu tập Phạm Quang Ngọc hiện là giảng viên cao cấp Viện Quản trị kinh doanh và công nghệ FSB – Đại học FPT, đồng thời là người sáng lập Nhà triển lãm ART30 Gallery. Với đam mê sưu tập nghệ thuật trong nhiều năm, ông chia sẻ về bức tranh toàn cảnh mỹ thuật Việt Nam 2024.
Mỹ thuật Việt Nam đã trải qua một năm sôi động với nhiều triển lãm được tổ chức liên tục khắp 3 miền đất nước, thưa anh?
– Thị trường mỹ thuật Việt Nam năm nay khá sôi động ở tất cả các lĩnh vực, từ không gian trưng bày, hoạt động triển lãm, hoạt động lưu trú nghệ thuật, cho tới các festival và các mô hình hỗ trợ sáng tác… Hoạt động giao lưu quốc tế đã được phục hồi sau thời kì đại dịch, đánh dấu bởi triển lãm “Hanoi Art Connecting 7” là một cuộc hạnh ngộ của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế hướng tới kỷ niệm 100 năm Mỹ thuật Đông Dương. Sự can dự của công nghệ và AI (trí tuệ nhân tạo) ngày càng rõ nét hơn, bắt đầu từ ứng dụng phục dựng di tích lan dần sang phục dựng tác phẩm nghệ thuật, ví dụ phục dựng bức tranh trong giảng đường chính và một số mảng trang trí kiến trúc ở đỉnh vòm sảnh chính của Viện Đại học Đông Dương, trong khuôn khổ “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024”. Tuy nhiên, về phân bố khu vực thì vẫn chưa có đột phá mới, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chiếm ưu thế trong thị trường này hơn các thành phố thuộc tỉnh khác.
Dù thế nào, tôi vẫn thấy thị trường mỹ thuật gắn bó mật thiết với sự phát triển kinh tế?
– Trong những năm gần đây, có một hiện tượng thú vị là cho dù kinh tế Việt Nam có chững lại hay bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thì thị trường nghệ thuật nội địa vẫn phát triển. Điều này có lẽ trước tiên do năng lực thẩm mỹ xã hội ngày càng đi lên, chi dùng cho nghệ thuật của giới trẻ ngày nay được nới rộng hơn thế hệ trước. Thêm nữa, Việt Nam đang là một thị trường nghệ thuật non trẻ, nên còn khá nhiều cơ hội để tham gia, thu hút được đầu tư bởi tính mới. Ngoài ra, cách thức vận hành của thị trường nghệ thuật đang từng bước được chuyển biến theo hướng tích cực hơn (evolution), dần minh bạch hơn với các quy tắc hoạt động giữa phòng tranh, nghệ sĩ, giám tuyển và nhà sưu tập. Điều này khiến thị trường nghệ thuật nội địa vẫn phát triển dù kinh tế tăng trưởng không như mong đợi. Tôi cho rằng trong vài năm tới, kinh tế chỉ cần phục hồi 1 thì thị trường nghệ thuật sẽ sôi động gấp 2.
Tuy nhiên, nhiều triển lãm được tổ chức, có thể chưa hướng mục tiêu trọng tâm tới việc bán tranh, mà là để tổng kết một chặng đường sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ?
– Các triển lãm nghệ thuật bây giờ thường đi theo hai lối: lối chỉ trưng bày giới thiệu, và lối vừa trưng bày giới thiệu vừa thương mại (sau thời gian triển lãm). Ở khu vực gallery, triển lãm ngoài mục tiêu trưng bày giới thiệu và thương mại ra, còn nhằm xây dựng một nền tảng giao tiếp nghệ thuật, từ đó tham gia thúc đẩy quá trình cảm thụ và giáo dục nghệ thuật của cộng đồng. Cuối cùng, triển lãm cũng góp phần hình thành hạ tầng cơ sở cho thị trường nghệ thuật ở Việt Nam. Triển lãm tổng kết giai đoạn sáng tạo của hoạ sĩ là sự kiện bao quát được con người cá nhân, định hình được phong cách nghệ sĩ. Dù là thương mại hay phi thương mại, chúng tôi vẫn ủng hộ mô hình triển lãm này.
Anh đánh giá ra sao về chất lượng các tác phẩm đã được trưng bày trong năm qua?
– Chất lượng một tác phẩm nghệ thuật là phụ thuộc rất nhiều biến số. Bên cạnh đó còn những yếu tố khác như bản thân đời sống và quá trình sáng tác của nghệ sĩ, hiện trạng tác phẩm, cách thức tác phẩm được hình thành và cảm xúc mà nó mang lại cho khán giả… Cần lưu ý rằng chất lượng không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với giá mua bán. Một năm vừa qua, tôi vui mừng vì được xem nhiều tác phẩm mới có hướng đi mới mẻ, có tư duy rõ ràng, và đặc biệt là có cảm xúc nghệ thuật. Đây là một vận động tích cực với thị trường nghệ thuật trong nước.
Trong bối cảnh từ xã hội có nhiều thay đổi xoay chiều về kinh tế, khi mọi điều trở nên khó dự đoán trước, dường như các nhà sưu tập tiếp tục quay lại với những giá trị bền vững và được cho là an toàn, như hướng vào các hoạ sĩ đã có tên tuổi và tác phẩm được đảm bảo về giá trị trong thời gian dài, thưa anh?
– Tác phẩm nghệ thuật là một thứ hàng hoá đặc biệt, giá trị sử dụng của nó lại nằm ở phía tinh thần. Thông thường sẽ có 2 yếu tố tham gia vào hoạt động mua bán nghệ thuật: có và không có nhu cầu gia tăng lợi nhuận của tác phẩm. Các tác phẩm thành danh luôn có giá trị kinh tế bền vững và an toàn hơn, nên ở bối cảnh nào chúng cũng có ưu thế hơn các tác phẩm chưa thành danh. Việt Nam hiện nay rõ ràng là còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng do nhiều nguyên nhân, mà khu vực nghệ thuật trẻ lại mở rộng hơn các khu vực cũ đã thành danh. Lực lượng sưu tập tăng lên nhanh chóng, cả ở 2 khu vực.
Năm 2024 cũng cho thấy sự quan tâm hơn vào thế hệ mỹ thuật trẻ. Các hoạt động triển lãm, festival, dự án mỹ thuật, các cuộc thi tìm kiếm tài năng mỹ thuật mới diễn ra sôi nổi?
– Giới trẻ tham gia vào các hoạt động nghệ thuật rất mạnh mẽ và quyết liệt. Về mảng sáng tác, các nghệ sĩ trẻ thể hiện rất rõ cái tôi cá nhân. Chất liệu cũng phong phú hơn, kĩ thuật ngày càng tinh vi hơn. Về mảng tổ chức thì giới trẻ chiếm sóng hầu hết các festival và các dự án nhóm, điển hình là công cuộc tổ chức triển lãm “Hanoi Art Connecting 7”, hay là nhóm thông tin nghệ thuật HanoiGrapvine. Lợi thế của người trẻ trong giới mỹ thuật là rất lớn, nhất là trong việc bộc lộ tư duy mới và kết nối đa chiều.
Tuy nhiên việc các nhà sưu tập chọn đầu tư vào các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ đã rộng mở hơn chưa, vì sao thưa anh?
– Ngày nay, nghệ sĩ trẻ được quan tâm nhiều hơn và được sưu tập cũng nhiều hơn. Thứ nhất, chi phí cho việc sở hữu tác phẩm của nghệ sĩ trẻ nhìn chung luôn thấp hơn nhiều so với nghệ sĩ đã thành danh. Thứ hai, khi thị trường của các nghệ sĩ lớn và đã thành danh đang tăng phi mã và trở nên khó giao dịch, thì nhu cầu sẽ phải chảy về phía các nghệ sĩ trẻ vừa dễ mua vừa có chi phí thấp. Thứ ba, như trên đã nói, nhà sưu tập ngày càng trẻ hơn và có xu hướng hưởng thụ tinh thần nhiều hơn, nên họ còn quan tâm tới độ rung cảm của tác phẩm nữa chứ không chỉ quan tâm duy nhất tới giá trị đầu tư.
Liệu yếu tố thị trường có gây ảnh hưởng nhiều tới sáng tác của các nghệ sĩ không, khi mà họ quan tâm tới việc làm sao để bán được nhiều tranh, hơn là sáng tạo nên phong cách với tư tưởng riêng biệt?
– Yếu tố thị trường có sức mạnh chi phối lớn đối với nhà sản xuất. Với cương vị là nhà sản xuất hội hoạ, hoạ sĩ cũng không ngoại lệ, có điều anh ta ứng xử như thế nào đối với thị trường mới là quan trọng. Những ứng xử đó sẽ xác định được thị trường có ảnh hưởng tới hoạt động sáng tác của anh ta hay không. Điều này có vẻ rất khó bao quát và nhận định, bởi sự ứng xử với thị trường của hoạ sĩ hoàn toàn là cá nhân, không phụ thuộc vào năng lực nghề nghiệp, trình độ văn hoá hay khả năng tài chính của hoạ sĩ. Tuy nhiên, cá nhân tôi luôn tin tưởng rằng với đà phát triển như hôm nay, thị trường nghệ thuật sẽ đi về phía minh bạch hơn và có chất lượng tốt hơn. Khi đó, vàng thau sẽ không còn lẫn lộn, và nghệ sĩ sẽ tự biết cách chọn lựa hướng đi nghề nghiệp của mình.
Dự đoán cũng như những kỳ vọng của anh về mỹ thuật Việt Nam trong năm 2025?
– Sang năm 2025, thị trường nghệ thuật ở Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực triển lãm, sưu tập và chất lượng tác phẩm. Các hoạt động hỗ trợ sáng tác phi lợi nhuận cũng sẽ được tiếp tục. Tôi cho rằng xu hướng sáng tạo nghệ thuật sẽ không thể tránh khỏi việc ứng dụng các thành quả của công nghệ như ứng dụng AI, nghệ thuật đa giác quan và có thể cả nghệ thuật dựa trên thực tế ảo.
Tôi có niềm tin rằng thị trường nghệ thuật trong nước đang từng bước minh bạch hơn, các quy tắc vận hành của thị trường sẽ nhanh chóng được hoàn thiện hơn.
Xin chúc các nghệ sĩ Việt Nam ngày càng có những tác phẩm tốt và bước ra thế giới nhiều hơn!
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nguồn: https://daidoanket.vn/nha-suu-tap-pham-quang-ngoc-su-can-du-cua-cong-nghe-va-ai-ngay-cang-ro-net-10298014.html