TP.HCM đang có nhiều hoạt động hội sách, giao lưu, tọa đàm, triển lãm, cuộc thi về sách. Đây cũng là nơi tổ chức lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cấp quốc gia.
Ông Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nói về chủ trương phát triển văn hóa đọc của thành phố.
Phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ chiến lược
– Văn hóa đọc có vai trò như thế nào trong việc phát triển văn hóa, nâng cao dân trí trên địa bàn TP.HCM?
– Sách là kho tàng trí tuệ của nhân loại, mỗi quyển sách là sự đúc kết những giá trị, kinh nghiệm sống và là sự sáng tạo bằng trí óc và tâm hồn của con người. Đọc sách không chỉ giúp hình thành tư duy, phát triển trí tuệ mà còn góp phần nâng cao nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng lối sống lành mạnh của mỗi người.
Nhìn rộng hơn, phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng các cộng đồng văn hoá, dựa trên những cá nhân có tâm hồn đẹp, tri thức rộng, từ đó hình thành nền văn hóa quốc gia tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Do đó, việc đầu tư cho văn hóa đọc một cách kiên trì, thỏa đáng là nhiệm vụ chiến lược của cả hệ thống chính trị và nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của mọi thành phần trong xã hội.
– Những năm qua, TP.HCM có hoạt động gì nhằm thúc đẩy văn hóa đọc phát triển?
– Trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều chương trình, hoạt động để phát triển văn hóa đọc và xây dựng thành phố thành một trong những thị trường sách, địa điểm giao lưu văn hóa đọc sôi động nhất nước.
Những hoạt động định kỳ đã trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo người dân như Lễ hội đường sách Tết Nguyên Đán, Hội sách TP.HCM, Hội sách thiếu nhi…
Hàng năm, UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp các sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam trên từng địa phương, từng lĩnh vực với nhiều hình thức sáng tạo, đa dạng.
Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có hai sự kiện lớn về sách. Một là lễ hội đường sách Tết Nhâm Dần được tổ chức thành công với kết quả kỷ lục về số người tham quan, số sách tiêu thụ trong 12 lần tổ chức. Hai là đăng cai tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất – năm 2022 và tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc. Các hoạt động này được đánh giá cao và thu hút đông đảo người dân đến tham quan, thưởng lãm.
Một điểm nhấn khác là thành phố dành hẳn con đường rất đẹp ngay khu vực trung tâm để tổ chức đường sách Nguyễn Văn Bình. Sau 7 năm hoạt động, đường sách đã trở thành không gian văn hóa đặc trưng, không thể thiếu đối với người dân và là niềm tự hào của người làm sách và chính quyền TP.HCM. Hiện nay, nhiều quận, huyện có kế hoạch nhân rộng mô hình đường sách tại địa phương.
Điều đáng mừng là các hoạt động về sách ngày càng được lãnh đạo địa phương, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nhiều mô hình, giải pháp như Hội sách hè (Củ Chi), Ngày hội sách tại công viên Phú Lâm (quận 6), triển lãm sách, ảnh tại các trường học (quận Tân Phú), củng cố cơ sở vật chất, các phòng đọc sách tại khu phố và thư viện trường học, coi đây là thiết chế văn hóa quan trọng để thực hiện tiêu chí xây dựng “Phường văn minh đô thị”, “Khu phố văn hóa” (quận 11).
Thậm chí, nhiều sở, ngành tích cực trong việc phát triển văn hóa đọc trong đơn vị. Chẳng hạn, Bộ Tư lệnh Thành phố tổ chức triển lãm, trưng bày sách, gặp gỡ nhân chứng, tác giả, tác phẩm, tuyên truyền, giới thiệu sách mới, luân chuyển sách về các đơn vị, doanh trại quân đội, ban chỉ huy quân sự một số quận, huyện.
Sở Giao thông – Vận tải tổ chức nói chuyện chuyên đề về sách, tuyên truyền trong lĩnh vực giao thông vận tải gắn với văn hóa đọc cộng đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc phong phú như hội sách trực tuyến, mô hình thư viện thông minh, sách dành cho người khiếm thị…
Một hoạt động khác thể hiện sự quan tâm phát triển văn hóa đọc đến những vùng khó khăn, đó là từ năm 2021 thực hiện việc cung cấp, trang bị sách cho các xã, thị trấn tại 5 huyện ngoại thành. Sắp tới, dự kiến trong năm 2022, thành phố công bố Quy chế Giải thưởng sách Thiếu nhi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn mảng sách có giá trị, phù hợp các em thiếu nhi.
Tạo điều kiện để thị trường xuất bản phát triển
– Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng đường sách TP.HCM trở thành điểm sáng về văn hóa đọc?
– Đường sách đã trở thành điểm nhấn trong không gian văn hóa và đời sống văn hóa của người dân, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Để đường sách được như ngày hôm nay là công sức, tâm huyết và trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố, nhà quản lý và người làm sách.
Có nhiều yếu tố làm nên thành công của đường sách, có thể nêu ra một số yếu tố quan trọng nhất: Được sự đồng thuận, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố; có đội ngũ chuyên trách tâm huyết thật sự với sách, văn hóa đọc, làm không chỉ vì trách nhiệm trong nhiệm kỳ; có sự đầu tư thỏa đáng về kinh phí, địa điểm, cơ sở vật chất; tập hợp được nhiều lực lượng cùng tham gia. Xác định mô hình hoạt động phù hợp để đường sách có thể chủ động trong tổ chức hoạt động và duy trì nguồn thu.
TP.HCM xác định tiếp tục đầu tư phát triển đường sách TP.HCM và nhân rộng mô hình này đến nhiều quận, huyện khác có điều kiện phù hợp trong thời gian sắp tới.
– Theo ông, thị trường sách đã phát triển xứng với tiềm năng của một thành phố năng động như TP.HCM? Thành phố đã tạo điều kiện ra sao để các nhà xuất bản, công ty phát hành sách phát triển?
– Thị trường sách trên địa bàn thành phố rất sôi động với 2 nhà xuất bản trực thuộc TP.HCM, hàng chục nhà xuất bản thuộc Trung ương đóng trên địa bàn cùng hàng trăm đơn vị phát hành xuất bản phẩm. Nếu tính riêng hai nhà xuất bản thuộc TP.HCM, số lượng xuất bản phẩm hàng năm tăng bình quân 7% và tổng doanh thu tăng bình quân 13% so với năm trước.
Thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành xuất bản – phát hành và thị trường sách có thể phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, thành phố đều có kế hoạch chỉ đạo phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu nhi; tổ chức nhiều sự kiện lớn về sách vừa thúc đẩy văn hóa đọc, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất bản, in và phát hành có dịp giao thương, quảng bá thương hiệu và sản phẩm.
Để có các sự kiện này là sự tham gia hỗ trợ của rất nhiều ngành, địa phương. Bên cạnh đó, TP.HCM đầu tư cho ngành xuất bản bằng cơ chế đặt hàng để có các xuất bản phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại và chương trình đưa sách về cơ sở.
Ngoài ra, một trong những không gian đẹp nhất tại trung tâm thành phố làm đường sách và tiếp tục mở rộng loại hình này tại các quận, huyện có điều kiện phù hợp trong thời gian tới. Đây cũng là không gian để các doanh nghiệp sách có thể phát triển thị trường.
Trong công tác quản lý Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoàn toàn trực tuyến) đối với các thủ tục hành chính liên quan ngành xuất bản, in, phát hành.
Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành xuất bản để đơn vị thuộc ngành có thể thích ứng, đổi mới và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thưởng thức sách mới của một bộ phận ngày càng lớn bạn đọc trẻ, năng động và những người đam mê sách nhưng có thời gian eo hẹp.
Chúng tôi luôn đồng hành và đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp trong ngành xuất bản và mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vai trò trụ cột trong hoạt động xuất bản, phát hành cả nước.
Nguồn: Znews.vn