Hôm nay, ngày 21/4/2023, đúng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, tại Trung tâm của Cố đô Huế – di sản Văn hóa của nhân loại, trong không gian cổ kính của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế, địa điểm trước đây là Quốc Tử Giám, nơi đào tạo sĩ phu, nhân tài của đất nước suốt một giai đoạn dài lịch sử, nơi biểu tượng cho tinh thần “tôn sư, trọng đạo, yêu chữ, quý sách” của truyền thống dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và Hội Xuất bản Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai. […]
Gốc để phát triển sách, xuất bản là người đọc
Gốc của sách là tri thức, mà tri thức là sức mạnh của mỗi con người, cũng là sức mạnh của cả một quốc gia, một dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”; “Tri thức là vốn quý của dân tộc. Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế”.
Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là sách phải có nhiều người đọc, tức là có thị trường lớn. Mà muốn vậy, phải thực hiện khuyến đọc. Nhiều quốc gia đã rất quan tâm đến việc khuyến đọc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Có nước có luật về khuyến đọc. Tháng 11/2021, Chính phủ đã quyết định chuyển Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là một bước chuyển đổi rất quan trọng và có ý nghĩa sâu xa.
Những việc phải làm về văn hóa đọc là khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Để sách đến hàng triệu bạn đọc
Các thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay là “Sách nhận thức – đổi mới – sáng tạo”; “Sách cho tôi, sách cho bạn”; “Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới”.
Đổi mới trong nhận thức, đổi mới trong sáng tạo, đổi mới trong phương thức xuất bản, đổi mới trong cách tiếp cận bạn đọc để sách vẫn là sách, nhưng đa dạng hình tượng, đến được hàng triệu người, để xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng dân tộc hóa nhưng vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng số.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống xuất bản cách mạng Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao nhiệm vụ: “Xuất bản phải khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là một hoạt động thiết thực để thực hiện nhiệm vụ này.
Nhân dịp này, tôi đề nghị các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng viễn thông có các hoạt động thiết thực để phát triển văn hóa đọc nước nhà.
Các nhà xuất bản tạo ra các phiên bản sách đa nền tảng. Các đơn vị phát hành đưa sách đến mọi vùng miền. Các sở tổ chức các hoạt động cộng đồng. Các báo đài có chuyên mục về sách. Các nhà mạng nhắn tin miễn phí giới thiệu sách.
Tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn các cơ quan, đơn vị phối hợp, đặc biệt là Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tích cực hỗ trợ để lễ Khai mạc và hội sách diễn ra rất thuận lợi!
Để mở đầu cho chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023, thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan phối hợp tổ chức, tôi xin long trọng tuyên bố Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tại Cố đô Huế!
Nguồn: Znews.vn