Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể về tình yêu với sách từ những ngày thơ ấu, đồng thời khẳng định những ảnh hưởng nghiêm trọng của sách giả đến tinh thần người đọc sách.
Sáng ngày 21/4, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lần đầu tiên có buổi giao lưu cùng độc giả với tư cách là Đại sứ Văn hoá đọc của TP.HCM.
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã công bố 10 Đại sứ văn hóa đọc của thành phố nhiệm kỳ 2024-2025. Trong đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là cái tên đáng chú ý và nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Hình thành thói quen đọc là lớn lên cùng sách
Lớn lên ở một vùng quê nghèo hiếm khi có sách đọc, ngay từ nhỏ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có thói quen trân trọng từng cuốn sách mình được cầm, cũng như những giá trị mà sách mang đến cho cuộc đời ông.
“Hồi đó khó khăn, sách rất hiếm và làng Đo Đo không có nhà sách nào cả. Năm 14 tuổi tôi được bố cho đi thành phố, được dắt vô nhà sách. Đó là lần đầu tiên tôi biết trên đời có một nơi nhiều sách đến như vậy. Tôi có cảm giác mình bước vô một đền thờ có thật nhiều sách, hết sức hoa lệ, nguy nga và thiêng liêng. Đi vô nhà sách tôi rón rén, không dám thở mạnh, cảm giác hạnh phúc như thể mình vừa được đặt chân đến thiên đường”, ông kể.
Nhắc lại chuyện xưa, ông không khỏi vui mừng khi thấy các bạn trẻ giờ đây, đặc biệt là ở thành phố lớn, có thể lớn lên với vô số nhà sách, các dịp hội sách sôi động, được ngắm từng bìa sách, lật giở các trang sách và nghe mùi giấy mới. Ông tin đó là một niềm hạnh phúc lớn hơn nhiều so với thế hệ của ông.
Ông cũng cho rằng muốn hình thành thói quen đọc, trẻ em cần được lớn lên trong một môi trường có đầy đủ sách, có cha mẹ làm gương và được khuyến khích đọc thường xuyên.
“Hàng ngày trong vai trò một người cha, người mẹ, chúng ta khuyến khích con cháu đọc thêm sách, hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, giúp các em xem việc đọc sách như chuyện ăn, ngủ, sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Những người được sinh ra trong gia đình có nhiều sách vở, tự nhiên sẽ hình thành tình yêu đối với sách”, ông chia sẻ.
Hiện tại, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhiều thế hệ độc giả. Là nhà văn, ông tâm niệm vai trò của mình là viết nên những câu chuyện hấp dẫn để tạo sự thích thú, ham đọc nơi độc giả. Ngoài ra, ông cho biết bản thân thường quyên góp, tặng sách cho các trường tại vùng ven TP.HCM, bộ đội, bệnh viện, các chiến sĩ biển đảo… đặc biệt là trong những ngày Bản quyền sách Việt Nam và Thế giới.
Sách giả là mối nguy lớn về tinh thần
Là tác giả và một người yêu sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có nhiều lúc rơi vào tình huống khó xử khi bắt gặp những cuốn sách giả, đặc biệt là sách do chính độc giả của mình đem đến buổi ký tặng.
Ông cho rằng chưa nói đến những ảnh hưởng mà nó đem lại cho tác giả hay nhà xuất bản, bản thân sách giả, sách lậu đã làm giảm những giá trị vốn có của sách.
“Sách có một vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần mỗi người. Mỗi tủ sách gia đình giống như một tài sản tinh thần được truyền lại qua nhiều đời. Do đó, việc có mặt những cuốn sách giả cũng khiến giá trị của món quà tinh thần đó giảm đi rất nhiều”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Ông ví von một cách hài hước rằng việc tặng một cuốn sách giả cho người yêu chẳng khác nào hành động nhanh nhất để chấm dứt một mối tình. Nhà văn khẳng định tác hại của vấn nạn sách giả, sách lậu là rất lớn về tinh thần, tâm hồn và tình cảm của con người.
Bên cạnh việc đề xuất các nhà xuất bản nên có thêm phương pháp để giúp bạn đọc tìm đúng sách thật, chẳng hạn tem chống giả, ông cũng khuyến khích người đọc khi mua sách cần thận trọng để tránh mua phải sách giả, sách lậu.
Nguồn: Znews.vn