Khẳng định vai trò của sách, Hội Xuất bản Việt Nam phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào đọc sách. Lễ phát động diễn ra sáng 21/4 tại phố sách ở Hà Nội.
Góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia
Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – nói việc lấy 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sách và sự phát triển của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
Với hoạt động xuất bản, văn hóa đọc vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu của người làm sách. Hội Xuất bản Việt Nam – tổ chức của những người làm công tác xuất bản cả nước – xác định đây là dịp quan trọng để đẩy mạnh hoạt động nhằm lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia, phát huy sức mạnh con người, xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Thông qua phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc, Hội Xuất bản Việt Nam mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình.
Trong Ngày Sách và Văn hóa đọc 21/4, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói về vai trò của sách trong đời sống. “Thời nào, nơi nào, sách đều giữ vai trò quan trọng, là chìa khóa giúp mở cánh cửa đến kho tàng tri thức; ngọn hải đăng rọi sáng để mỗi người làm giàu có đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách, đến với chân, thiện, mỹ; là con đường đưa quốc gia đến phồn vinh, thịnh vượng”, ông Bảo nói.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành làm nhiều sách hay, xây dựng các không gian sách hiện đại, chuyên nghiệp trên thực địa cũng như trên không gian mạng. Đồng thời, Hội Xuất bản Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay, đầu tư cùng ngành xuất bản, thư viện đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc.
Các trường học, gia đình, cấp, ngành, cơ quan chức năng và tổ chức tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để khơi dậy và phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành thói quen đọc sách của từng cá nhân.
Tại chương trình, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tặng 1.000 đầu sách cho hai đơn vị: Ban quản lý phố sách Hà Nội, Trung tâm Tư vấn và tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh khó khăn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ông Nguyên chia sẻ phát triển văn hóa đọc là câu chuyện của không chỉ cơ quan quản lý xuất bản hay quản lý văn hóa đọc ở Trung ương, địa phương. Nó còn là trách nhiệm của tất cả cấp, ngành, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Cục Xuất bản, In và Phát hành, Hội Xuất bản Việt Nam triển khai nhiều hoạt động để hình thành, lan tỏa phong trào khuyến đọc trong xã hội.
Để mỗi ngày đều là ngày sách
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – đánh giá cao hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam. “Tôi không nghĩ văn hóa đọc của chúng ta có vấn đề, mà vấn đề là làm sao để ngày càng có nhiều người đọc sách hơn. Hội Xuất bản Việt Nam phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng có ý nghĩa lớn, để không chỉ 21/4 mà mọi ngày đều là ngày đọc sách”, ông Khoa nói.
Ông Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng chúng ta đang tiến vào kỷ nguyên tri thức số, bởi vậy đọc sách giúp doanh nhân nâng cao văn hóa, tiếp nhận tri thức.
Theo ông Lộc, lễ phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc của Hội Xuất bản Việt Nam có hai ý nghĩa lớn. Thứ nhất, hoạt động này giúp mọi người, trong đó có doanh nhân, hình thành thói quen và văn hóa đọc sách, từ đó hình thành nên một thế hệ doanh nhân mới.
Thứ hai, lễ phát động phong trào cũng giúp các doanh nhân hiểu hơn về ý nghĩa của đọc sách với phát triển xã hội; từ đó, doanh nhân có các hoạt động hỗ trợ, ủng hộ nhằm lan tỏa hơn nữa phong trào đọc sách.
Một hoạt động thúc đẩy phong trào đọc sách tiêu biểu chính là “Không gian văn hóa đọc cộng đồng”. Đây là dự án kêu gọi nguồn xã hội hóa, các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay để xây dựng những không gian phù hợp, đưa sách đến cho người dân địa phương, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Dự án có mục tiêu xây dựng 300 không gian văn hóa đọc tại địa phương. Điểm đầu tiên đã hình thành tại nhà văn hóa thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Bà Kim Thoa – CEO Tân Việt Books, đơn vị thực hiện dự án – nói bà muốn đưa sách đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trước bởi đó là những địa phương khó tiếp cận với sách hơn ở thành phố.
Theo bà Thoa, các nhà văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng, nhưng chưa được sử dụng thường xuyên. Bởi vậy, bà muốn cải tạo không gian văn hóa trở nên tốt hơn, đưa sách vào, bởi sách cũng là một yếu tố của văn hóa. Bên cạnh đó, bà Thoa cũng muốn có những hoạt động như giao lưu, kể chuyện… để truyền cảm hứng đọc tới cộng đồng.
“Chúng tôi muốn gieo hạt giống tri thức, để sau một thời gian hy vọng những hạt giống ấy sẽ nảy mầm”, bà Thoa nói về mục tiêu của dự án.
Nguồn: Znews.vn