Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, nổi bật là lễ khai mạc và hội sách, sẽ được tổ chức công phu, hiện đại phục vụ đông đảo độc giả.
Sáng 12/4, họp báo thông tin về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội. Năm nay, chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc sẽ diễn ra xuyên suốt từ 17/4 đến 1/5 với các sự kiện chính gồm: lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba; Triển lãm, Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba; Triển lãm và Hội sách trực tuyến phục vụ bà con kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; Tổ chức Lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội – cho biết lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba được tổ chức vào tối 17/4 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và trực tuyến trên các nền tảng của các Đài Phát thanh – Truyền hình địa phương cùng trang điện tử của một số cơ quan báo chí.
Ông đánh giá đây là địa điểm có ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa, lịch sử, nơi cũng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổng thể, giao cho các cơ quan chịu trách nhiệm từng mảng từ trật tự an ninh, an toàn giao thông đến phòng chống cháy nổ. Công tác tổ chức tuyên truyền trước, trong và sau sự kiện cũng đang được triển khai”, ông cho hay.
Quảng bá sách bằng công nghệ
Cũng liên quan đến các hoạt động tổ chức lễ khai mạc, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết tại không gian trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ trưng bày 4 tủ sách quan trọng. Đó là tủ sách của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tủ sách tuyên truyền về biển đảo; sách được Giải thưởng Sách Quốc gia; sách về công nghệ và các cuốn sách giá trị khác.
Ban tổ chức cũng cho trưng bày, giới thiệu các hoạt động liên quan đến sách điện tử, sách 3D. Vào lễ khai mạc, bộ sách 3D về Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng sẽ được giới thiệu.
“Bộ sách đang được gấp rút hoàn thành, do Nhà xuất bản Thông tin truyền thông phối hợp với trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám triển khai”, ông nói.
Bên cạnh đó, lễ khai mạc sẽ có phần trình diễn mapping kể chuyện với 2 chương, chương đầu tiên gắn với câu chuyện truyền thống hiếu học của người Việt Nam ta, truyền thống tôn sư trọng đạo, chương hai là sự phát triển của ngành xuất bản trong thời gian qua để phục vụ cho việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa.
Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam mang đến 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”.
Lý giải về các thông điệp này, ông Nguyễn Nguyên cho biết chúng đều có điểm chung là về sách hay, đều hướng đến bạn đọc với tinh thần gốc của sự phát triển của sách là văn hóa đọc. Tuy nhiên, để văn hóa đọc lan tỏa cần hướng đến mỗi vùng miền, mỗi đối tượng khác nhau, vì thế mỗi thông điệp mang ý nghĩa truyền thông riêng phù hợp.
Ví dụ, “Sách hay cần bạn đọc”: gốc của sách, ngành sách là bạn đọc, vì thế nếu không có bạn đọc thì cũng không có ngành sách. Với “Sách quý tặng bạn”, đơn vị tổ chức mong rằng sản phẩm sách sẽ trở thành một món quà tặng thường xuyên trong tất cả hoạt động sự kiện tiêu biểu với ý nghĩa trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt.
Với “Tặng sách hay – Mua sách thật”: ngành xuất bản đang phải đối diện với thực tế tình trạng vi phạm bản quyền còn rất nhiều, để giải quyết căn cơ bài toán này, việc thay đổi nhận thức của độc giả có ý nghĩa quyết định cùng với các giải pháp khác. Độc giả muốn có sách hay hãy ủng hộ sách thật. Người làm sách kỳ vọng mọi người mua sách hay, sách thật chứ không phải sách vi phạm bản quyền để ngành xuất bản có động lực, có sự phát triển lâu dài và bền vững.
Cuối cùng, “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”, là câu chuyện của sự phát triển đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Sách hiện nay đa hình tướng, không chỉ có sách truyền thống mà có nhiều hình thức mới như 3D, sách nói… Cho nên “mắt đọc, tai nghe” để đảm bảo rằng sách tiếp cận độc giả và đồng thời khẳng định rằng ngành sách muốn phát triển cần phải đảm bảo yêu cầu về sách gần gũi bạn đọc và tăng sự trải nghiệm cho bạn đọc.
Đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa văn hóa đọc
Trong lần thứ ba tổ chức, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hướng đến 3 mục tiêu quan trọng. Đó là khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Sự kiện cũng tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự kiện đặt mục tiêu nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Các hoạt động sẽ tổ chức theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Nguyên
Một trong những nội dung quan trọng của các hoạt động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 còn là kết hợp với chuyển đổi số.
Theo đó, các hoạt động sẽ tổ chức theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số như: Hội sách trực tiếp; Hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; đổi điểm thưởng tích lũy của khách hàng tại một số ngân hàng thương mại lấy quà tặng bằng sách; kết hợp truyền thông, quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay cũng đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá về sách, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.