Trong tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng lên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi chép tên tuổi, quê quán những Tiến sĩ Nho học thi đỗ trong khoa thi năm 1442, bài ký do Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn có câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Đây được xem như tuyên ngôn về giáo dục Nho học của các vương triều phong kiến Việt Nam nói riêng, của nền giáo dục đào tạo Việt Nam nói chung qua các thời kỳ lịch sử. Muốn có nhân tài để dựng nước và giữ nước thì phải giáo dục, đào tạo. Việc giáo dục, đào tạo nhân tài được thực hiện bởi các trường học, từ trường học của quốc gia, trường học ở địa phương, cho đến những ngôi trường tư thục do các thầy giáo tự lập ra để đào luyện con người. Thăng Long - Hà Nội nghìn năm qua nổi tiếng là mảnh đất thiêng của nền giáo dục Việt Nam. Nơi đây có Quốc Tử Giám Thăng Long - trường đại học sớm nhất và lớn nhất của quốc gia Đại Việt thời trung đại. Nơi đây có trường Đông Kinh nghĩa thục - ngọn cờ đầu của nền tân học Việt Nam thời cận đại. Nơi đây có nhiều ngôi trường tư thục nổi tiếng của các danh sĩ nối tiếp nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Văn hiến Thăng Long - Hà Nội thể hiện trước hết và hơn hết, là sự tụ hội, thăng hoa và tỏa rạng trong suốt nghìn năm qua, là nơi biểu tượng bền bỉ bậc nhất của nền học vấn: các ngôi trường học xưa trên đất Thăng Long - Hà Nội.
- Đơn vị phát hành: NXB Thông tin và Truyền thông
- Nhà xuất bản: NXB Thông tin và Truyền thông
- Năm xuất bản: 2010
- Tác giả: Hà Nguyễn
- Kích thước:
- Trọng lượng:
- Loại bìa: Bìa mềm
- Số trang:
- Mã ISBN: 978-604-80-1842-9