Nền kiến trúc dân tộc của ta trải qua hàng chục thế kỷ phát triển thăng trầm, có được và mất đi cũng nhiều, để lại một di sản không lấy gì làm phong phú lắm. Thời Lý, thời Trần với nền văn hóa Thăng Long đầy sức mạnh khai phá và tinh thần dân tộc, để lại vẻn vẹn, rải rác đó đây những nền, những mảng của các công trình kiến trúc đã tan tác, khó mà khôi phục lại được, dù trên giấy. Thời Hậu Lê kéo dài bốn thế kỷ ròng, cũng chỉ để lại rất ít ỏi di tích, thành lũy đền đài hầu như tan biến hết. May mắn thay, xóm làng quê ta còn ôm ấp nhiều ngôi đình, ngôi chùa và đền miếu của thời đại bi tráng ấy. Thời Nguyễn cũng lùi vào dĩ vãng, lưu lại cho di sản kiến trúc không nhiều, - ngay ở đất Hà Nội, những di tích tiêu biểu cho thời ấy, dễ dàng đếm được.
Duy chỉ trên mảnh đất Huế, kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng, mặc dù bị mất mát nặng nề, còn lại một di sản kiến trúc thật sự phong phú về số lượng, về loại hình và cả về chất lượng nghệ thuật.
Công cuộc nghiên cứu kiến trúc và mỹ thuật Huế bắt đầu chưa lâu. Dư luận rộng rãi thán phục những cái đẹp, những cái riêng và mới của nền nghệ thuật Huế; song lác đác vẫn còn những ý kiến phủ định hoặc hạ thấp những giá trị của nó. Những quan điểm này làm cho di sản kiến trúc dân tộc phải chịu thêm những thiệt thòi, có thể phần nào cản trở những nỗ lực nhằm giữ gìn di tích kiến trúc Huế.
Trong phạm vi bài viết này, tôi thử nêu lên, rất sơ bộ, một số giá trị nổi bật của di sản kiến trúc Huế.
1. Di sản kiến trúc Huế là tập hợp có một không hai những công trình kiến trúc điển hình của một thời kỳ lịch sử, gồm thành lũy, cung điện, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền, nhà ở, phố phường... Muốn nghiên cứu, hiểu biết tường tận những loại hình kiến trúc của thời phong kiến Việt Nam, chỉ có thể thông qua di sản kiến trúc Huế.
Hệ thống thành lũy của Kinh đô Huế, với ba lớp thành (lớp ngoài có mặt bằng hình vuông, 2.200 x 2.200m), với các con hào và con kênh, hàng chục cổng và môn lâu, hàng chục chiếc cầu vòm cuốn xây bằng gạch và đá, - duy nhất còn nguyên vẹn trong di sản kiến trúc thành lũy ở nước ta. Đáng tiếc, vẫn có người cho rằng thành Huế xây theo kiểu Vauban. Thực ra, bố cục tổng mặt bằng và kiến trúc của tòa thành này về cơ bản theo những quy cách của thành lũy Việt Nam truyền thống (gồm ba lớp thành: phòng thành, hoàng thành và cấm thành), duy chỉ có lớp ngoài (phòng thành và mang cá) có cấu tạo phòng thủ kiểu Vauban.
Thành phần và tên gọi của các công trình kiến trúc nằm trong Hoàng thành (ở Huế gọi là Đại Nội), như điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Thái miếu, Thế miếu, Thái Bình lâu… tuy vay mượn của kiến trúc cung đình Trung Hoa, song có nhiều nét riêng biệt về bố cục (như ở Huế, các ngôi điện đặt gần như
ở giữa sân, còn ở Cố cung Bắc Kinh, các ngôi điện đặt trên trục tường ngăn
cách các sân), về kiểu cách kiến trúc, về quy mô, về tỉ lệ xích… Có người cứ vội vàng kết luận rằng Ngọ môn của Huế vay mượn kiểu ở Bắc Kinh. Song, chỉ so sánh trên ảnh, chưa kể có may mắn quan sát cả hai trên thực tế, sẽ dễ dàng nhận ra: Ngọ môn của Huế đặc sắc đến nhường nào. Có thời, kéo dài nhiều thế kỷ, ở khắp các nước châu Âu, người ta xây dựng các thánh đường kiểu Gô-tích, ấy thế mà cuối cùng, vẫn nhận ra có Gô-tích Italia, Gô-tích Pháp, Gô-tích Đức, Gô-tích Anh… Trên những quy cách kiến trúc cơ bản, các dân tộc đã thể hiện được những cái riêng, những cái duy nhất.
Điện Thái Hòa, điện Long An (nay dùng làm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) là những kiến trúc cung đình không còn thấy ở một nơi nào nữa ở nước ta. Đó là hai ngôi nhà gỗ to nhất trong di sản kiến trúc dân tộc, được cấu tạo thanh thoát, nhẹ nhõm đến kinh ngạc, còn lưu lại được sự nguy nga của những cung vua, phủ chúa thời đã qua.
Quốc Tử Giám với nhà Di Luân đường, Duyệt Thị đường và Minh Khiêm đường - nơi nhà vua xem hát, Thái Bình lâu - nơi nhà vua đọc sách và làm thơ, cung Diên Thọ - nơi ở của thái hậu, Phu Văn lâu - nơi đọc chỉ sắc của nhà vua, Hổ Quyền - nơi nhà vua xem đấu voi và hổ… đều là những loại hình kiến trúc phong kiến chỉ còn có thể thấy được ở Huế.
2. Huế là một di tích kiến trúc đô thị còn lại hầu như nguyên vẹn ở nước ta. Hà Nội với hơn 1.000 năm lịch sử, chỉ còn lưu lại được một vài di tích kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng của các thời đại trước, các dãy phố thì mang một ít dấu ấn của thế kỷ trước. Thành Hà Nội trên mặt đất chỉ còn sót Đoan môn, Cửa Bắc, Cột Cờ… Cố đô Huế, xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19, vẫn hiện diện rõ rệt với những nhân tố cấu thành của một kinh thành, gồm các lớp thành lũy, các cung điện, đền đài, các công sở, các ô phố nơi quan lại cư trú, các dãy phố buôn bán và làm nghề thủ công, các chợ, các cửa ô, các làng ven nằm giữa kinh thành và thôn quê mang dấu ấn chi phối của kinh đô. Hơn nữa, Huế có được một giá trị kiệt xuất của chốn đô thị lịch sử, - đó là sự hòa nhập, sự chuyển tiếp tự nhiên giữa phần hạt nhân cổ, phần xây dựng cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 cùng phần mới xuất hiện trong những thập kỷ vừa qua. Một giá trị nữa của thành phố Huế là sự chuyển tiếp hết sức nhuần nhuyễn giữa ba thành phần:
a. Bản thân đô thị.
b. Khu vực trung gian gồm những thảm cỏ, cây cối triền sông và hệ sông nước có sự đầu tư duy trì lâu bền bởi bàn tay con người qua nhiều thế kỷ.
c. Khung cảnh thiên nhiên chi phối đô thị và ngược lại.
Phải leo lên núi Ngự Bình, nhìn ngắm Huế, để choáng ngợp trước một chốn đô thị con người tạo ra, là sản phẩm của sự chuyển tiếp và hòa nhập của không gian và thời gian. Ta sẽ thật nhận thấy rằng chốn đô thị này là sự bổ sung, duy nhất thích hợp, vào khung cảnh thiên nhiên này.
Cho đến nay, đến Huế và sống ở Huế, ta vẫn còn được hưởng thụ cái cảm giác hiếm hoi, không dễ có được ở các đô thị khác: Con người là chủ cái đô thị đời này kế tiếp đời nọ tạo dựng nên, đồng thời Con người là chuẩn gốc của những quy mô, những chiều dài và độ cao. Đó cũng lại là một giá trị nữa của Huế - di tích kiến trúc đô thị - thành phố bảo tàng. Về phương diện này, Huế có thể là hình ảnh của đô thị tương lai.
3. Nối tiếp giai đoạn Phú Xuân và qua gần một thế kỷ rưỡi tồn tại với tư cách là kinh đô, ở Huế đã hình thành một nền kiến trúc có bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn với kiến trúc của một nơi, một thời nào khác. Có thể nêu ra mấy đặc điểm chính:
- Bố cục mặt bằng ngôi nhà gỗ theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” nhằm tăng chiều sâu của ngôi nhà: Hai dãy nhà trước và sau được ghép gần vào nhau, có máng hứng nước mưa được đỡ ở dưới bằng kết cấu gọi là “vỏ cua”; dãy nhà trước có chiều sâu hẹp hơn dãy sau; dãy trước lát gạch và không trần, dãy sau có sàn gỗ và trần ván gỗ.
- Các ngôi nhà thường có 8 mái, cấu tạo theo kiểu “cổ diêm”. Khác với đình chùa ngoài Bắc, ở Huế các góc mái thẳng, một phần nào gây cảm giác uốn cong là do các thành phần bờ mái và trang trí đắp.
- Các hệ kết cấu gỗ hoàn toàn khác biệt các hệ sử dụng ở ngoài Bắc trước đó và cùng thời. Nổi bật nhất là kiểu vì “giả thủ” và kiểu vì kết hợp hai chức năng chịu lực và trang trí. Những bộ khung sử dụng trong các nhà ở, nhà thờ họ và miếu đình vùng ven Huế, trong Triệu miếu, điện Long An, Hưng miếu, trong các dãy hành lang ở các lăng… là những biểu hiện đặc sắc của kỹ thuật xây cất bằng gỗ, nơi cái chắc, cái nhẹ, cái đẹp và tính tiết kiệm cân bằng đến mức tự nhiên. Ở các ngôi nhà quanh Huế, tại Huế đôi khi bắt gặp những bộ vì, những bẩy góc được chế tác tinh xảo đến mức chúng được gọt đẽo từ ngà xương.
Phải nói thêm là quá trình phát triển của nền kiến trúc Huế có thể chia thành hai thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất, từ đầu thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 19 dưới các thời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, kiến trúc Huế là một bước phát triển lành mạnh và đậm nét của nền kiến trúc dân tộc. Tiêu biểu cho thời kỳ này là kiến trúc Ngọ môn với lầu Ngũ Phụng, Thế miếu, Hiển Lâm các, điện Thái Hòa và điện Long An, lăng vua Minh Mệnh, lăng vua Tự Đức.
Thời kỳ thứ hai, từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1945, kiến trúc Huế cũng như toàn bộ nền kiến trúc Việt Nam, tiếp nhận và tiêu hóa những truyền thống và kỹ thuật mới của kiến trúc châu Âu. Bức tranh phát triển kiến trúc thời kỳ này có nhiều mâu thuẫn, có những biểu hiện suy thoái, song cũng có thể nhận ra những tìm tòi khá thành công để làm nền móng cho nền kiến trúc mới. Công trình lăng vua Khải Định được xây dựng trong những năm 20 thế kỷ trước, mang những dấu ấn của thời kỳ đó. Ngược lại với dư luận khá phổ biến chê bai nó, cần được nhìn nhận như một thành công trong sự tìm tòi kết hợp các truyền thống kiến trúc Đông - Tây, thành công kỳ diệu của những người thợ nề ngõa, đặc biệt thợ ghép sành sứ và thủy tinh.
4. Các công trình kiến trúc ở Huế được bài trí phong phú và cầu kỳ. Các kỹ thuật chạm trổ, sơn son, thếp vàng, khảm xà cừ, ghép sứ, đắp ngõa, pháp lam… đạt trình độ hoàn mỹ. Các đề tài trang trí, tuy phần lớn có xuất xứ Trung Hoa, song đã được Việt hóa và có cách thể hiện rất Huế. Ở Minh Thành điện, lăng vua Gia Long, ta có thể thưởng thức những bức chạm với đường nét cao siêu đến mức kinh điển. Kỹ thuật khảm trai, khảm ốc trên các ván nong ở điện Long An, trong nội thất các nhà cổ ở ngoại ô Huế, ở trên các mái điện Sùng Ân ở lăng vua Minh Mệnh và điện Hòa Khiêm ở lăng vua Khải Định… là những thành phần không thể tách rời khỏi những kiến trúc Huế, thật sự đẹp đẽ và mỹ miều. Khác kiến trúc ở ngoài Bắc, kiến trúc Huế sử dụng nhiều màu sắc.
Nhờ được trang trí bằng các kỹ thuật nêu trên, các công trình kiến trúc ở đây, cùng với cảnh quan thiên nhiên vốn dĩ nên thơ, tạo ra những khung cảnh, những bức tranh duyên dáng và sinh động, đem lại cho ta những mỹ cảm đặc biệt, chỉ có được khi đến với Huế. Nghĩ về nghệ thuật trang trí kiến trúc Huế, liên hệ với thi ca, âm nhạc, lời ăn tiếng nói, lối ăn mặc, lối giao tiếp, v.v… có thể đi tới nhận định, không phải thiếu cơ sở: Nơi đây đã hình thành những truyền thống văn hóa đặc sắc trong khoảng thời gian không dài, trong một không gian địa lý hẹp. Đó quả là một hiện tượng khá hiếm hoi trong lịch sử văn hóa.
5. Một trong những thành tựu nổi bật nhất của kiến trúc Huế là sự kết hợp hữu cơ giữa công trình và môi trường thiên nhiên. Các công trình kiến trúc, dù là cung điện, đền miếu, lăng tẩm, đình chùa, nhà ở… đều được cấy, được đặt, được bổ sung vào khung cảnh thiên nhiên, với những cách giải quyết rất riêng và rất nhuần nhuyễn, như cách bố cục chuyển tiếp các không gian (không gian kín - không gian mở một phần - không gian mở có giới hạn - không gian mở vào thiên nhiên), cách chọn tỉ lệ xích, cách bài trí, phân bố màu sắc, cách tạo cảnh…
Về mặt này cần phải nói là các lăng vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức là những tác phẩm kiệt xuất của nền kiến trúc tạo cảnh Việt Nam, thể hiện sự kế thừa những truyền thống kiến trúc tạo cảnh Á Đông, đồng thời nổi bật trên cả là nghệ thuật xử lý môi trường thiên nhiên, tạo lập ra những không gian kiến trúc - thiên nhiên duy nhất thích hợp, chỉ có thể thấy được ở Huế. Sự gắn bó khăng khít với khung cảnh chung quanh là một trong những giá trị của nền kiến trúc dân tộc, với kiến trúc Huế, giá trị này được nâng lên rõ rệt. Bàn về di sản kiến trúc Huế, không thể không nhắc đến những làng xóm trong nội thành và vùng thôn quê lân cận, với những nhà - vườn, những ngôi đình có nhiều khác biệt so với ngoài Bắc, với những kiểu nhà vuông một gian hai chái, nhà thờ họ được trang trí rất công phu, và những đặc điểm cấu tạo không gian cư trú thôn quê đặc trưng bởi sự phân cách nhà này khỏi nhà khác bằng hàng rào xanh.
Ngày nay, chăm lo việc bảo vệ cho đời nay và mai sau di sản kiến trúc và nghệ thuật Huế, ta cần chủ trương giữ gìn nguyên vẹn những di tích tiêu biểu trong tập hợp các loại hình kiến trúc tiêu biểu, trong những tổng thể không gian đô thị và thiên nhiên của chúng, trong cơ thể thống nhất của thành phố Huế, thành phố - bảo tàng, thành phố di sản, duy nhất ở nước ta.