Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ, bảo quản hơn 200.000 tài liệu, hiện vật từ thời tiền - sơ sử đến thời kỳ cận - hiện đại, với nhiều bộ sưu tập phản ánh lịch sử, văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhằm tôn vinh hơn nữa giá trị di sản văn hóa dân tộc, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã xem xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho các hiện vật, nhóm hiện vật đặc sắc, quý hiếm. Qua các đợt xét chọn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có 20 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất Việt Nam.
20 bảo vật quốc gia nằm trong khung niên đại từ hơn hai ngàn năm trước, thuộc văn hóa Đông Sơn, cho đến giữa thế kỷ 20. Trong đó, có những bảo vật nổi tiếng như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ hay những tác phẩm Đường Kách mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là các bảo vật, dường như còn ít được biết đến như ấn đồng Môn hạ sảnh ấn (1377) thời Trần; ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo (1709) thời các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, dù nổi tiếng hay ít được biết đến như biểu tượng của một thời đại, thì những bảo vật này, đều đã được giới thiệu trưng bày trong và ngoài nước hay trong các ấn phẩm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước đây.
Trong lần xuất bản này, trên cơ sở nghiên cứu, hệ thống hóa và đối sánh các nguồn tài liệu cũng như bổ sung thông tin liên quan đến bối cảnh ra đời, sự tồn tại và những câu chuyện về hành trình đến Bảo tàng của các bảo vật, chúng tôi biên soạn cuốn Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, lần đầu tiên giới thiệu tới độc giả một cái nhìn tổng quan về sưu tập 20 bảo vật quốc gia, cùng những phân tích, đánh giá cụ thể các đặc điểm, nét đặc sắc, độc đáo của từng bảo vật, cho thấy, đó thực sự là những đại diện tinh hoa, được sáng tạo bởi bàn tay và khối óc của biết bao thế hệ cha ông truyền lại, cần được nâng niu và gìn giữ.