Sáng 21/4, tại Phố sách 19/12, Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, có bài phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.
Sách là chìa khóa mở cánh cửa tri thức
Nhà bác học Lê Quý Đôn từng ví: “Dẫu cho vàng bạc trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Đó là người xưa đã nói về cái quý của sách, thể hiện cái trọng của người xưa với sách và người đọc sách.
Trong xã hội hiện đại, sách vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Là cường quốc kinh tế, Nhật Bản luôn đặc biệt chú trọng đến văn hóa đọc, đến sách. Nhật Bản là một trong rất ít quốc gia ban hành không chỉ một mà hai đạo luật về văn hóa đọc, là Luật Khuyến khích đọc sách của trẻ em (năm 2001) và Luật Chấn hưng Văn hóa đọc (2005).
Nói chuyện xưa và xứ người để thấy rằng thời nào, nơi nào, sách đều giữ vai trò quan trọng, là chìa khóa giúp mở cánh cửa đến kho tàng tri thức; là ngọn hải đăng rọi sáng để mỗi người làm giàu có đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách, đến với chân, thiện, mỹ; là con đường đưa quốc gia đến phồn vinh, thịnh vượng.
Nhận thức rất rõ vai trò của sách và văn hóa đọc, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản và văn hóa đọc. Đặc biệt, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sách, đối với sự phát triển của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
Sau 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Từ kết quả của các năm tổ chức Ngày sách, nhận thấy hoạt động xuất bản sách cần gắn kết với phát triển văn hóa đọc bởi văn hóa đọc vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu của người làm sách, năm 2020, Luật Thư viện ra đời trong đó đã quy định những nội dung phát triển văn hóa đọc, xác định rõ 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc.
Năm 2021, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam, triển khai các nội dung của Luật Xuất bản và Luật Thư viện, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đã đề xuất với Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 284, nhằm mở rộng không gian tổ chức ngày sách, nâng nhận thức xã hội về sách và văn hóa đọc lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Ngày Sách trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc.
Triển khai Quyết định trên của Thủ tướng, ngày 28/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch số 5270, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên cả nước.
Lan tỏa mạnh mẽ hoạt động khuyến đọc trong cộng đồng
Hưởng ứng và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam – tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người làm công tác xuất bản cả nước xác định đây là dịp quan trọng để những người làm công tác xuất bản và văn hóa đọc đẩy mạnh hoạt động nhằm lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia, phát huy sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Vì thế, hôm nay, trên Phố sách Hà Nội, nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của lịch sử Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến, điểm đến yêu thích của bạn đọc, người yêu sách thủ đô, địa chỉ văn hóa hấp dẫn, giàu ý nghĩa của du khách đến Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Hà Nội, trực tiếp là UBND quận Hoàn Kiếm, tổ chức lễ phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Lễ phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình.
Với tinh thần và ý nghĩa đó, thay mặt Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chủ trì tổ chức, tôi xin long trọng tuyên bố phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
Nhân dịp này, thay mặt những người làm công tác xuất bản cả nước, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xin trân trọng cảm ơn các cấp, ngành Trung ương và địa phương đã quan tâm, ủng hộ để ngành xuất bản vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành sứ mệnh phát triển văn hóa đọc; xin được tri ân bạn đọc trong cả nước luôn dành sự tin tưởng, yêu quý và trân trọng dành cho mỗi cuốn sách.
Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị các nhà xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản đề cao trách nhiệm xã hội, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng giáo dục, văn hóa và sự đa dạng, hấp dẫn của sách.
Các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm đẩy mạnh xây dựng không gian sách hiện đại, chuyên nghiệp cả trên thực địa, cũng như trên không gian mạng, phải để cho mỗi nhà sách, hiệu sách, gian hàng điện tử trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, là thiết chế văn hóa quan trọng đáp ứng nhu cầu xã hội.
Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay, cùng ngành xuất bản, thư viện đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc với tinh thần, đầu tư cho xuất bản và văn hóa đọc là đầu tư vào nguồn lực con người, cũng là nguồn lực lớn nhất đem đến sự thành công, thịnh vượng cho mỗi doanh nghiệp.
Chúng tôi kêu gọi các trường học và mỗi gia đình hãy quan tâm hơn nữa đến sách, chăm chút cho thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình và nhà trường.
Bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm của mình, mỗi chúng ta hãy thể hiện tình yêu sách, say mê đọc sách để qua đó truyền thông điệp về những giá trị tốt đẹp trong mỗi cuốn sách đến với những người xung quanh ta.
Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành, cơ quan chức năng và tổ chức chính trị xã hội cùng các địa phương trên cả nước tạo mọi điều kiện thuận lợi xây dựng nền tảng cho văn hóa đọc phát triển; đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho các thiết chế thư viện, nhà văn hóa, điểm đọc sách cộng đồng nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân đến với sách; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng bằng những việc làm thiết thực hôm nay sẽ khơi dậy và phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành thói quen đọc sách của từng cá nhân; tạo dựng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nguồn: Znews.vn