0 ₫

No products in the cart.

0 ₫

No products in the cart.

Nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc

Ngày hội đọc sách 2023

Sách mới

Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho các thư viện, đưa tiết đọc sách vào chương trình học là một số giải pháp thúc đẩy thói quen đọc sách.

Theo số liệu của Hội Xuất bản các quốc gia châu Á, ở Indonesia, học sinh đọc sách 15 phút mỗi ngày trước giờ học chính thức. Ở Hàn Quốc, cha mẹ và con cùng đọc ít nhất 3 ngày/tuần và mỗi lần khoảng 30 phút.

Trong khi đó, Hội Xuất bản Thái Lan đã khảo sát với gần 56.000 hộ gia đình. Kết quả cho thấy trẻ em dưới 6 tuổi đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người ở độ tuổi lao động đọc 61 phút/ngày.

Trước những con số “đáng nể” đó, tỷ lệ 4,08 cuốn/người/năm (tính cả sách giáo khoa và sách tham khảo) của người Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.

Vấn đề thúc đẩy văn hóa đọc một lần nữa được đặt ra tại tọa đàm “Văn hóa đọc: Cơ hội, thách thức và những kiến nghị”, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tối 15/4. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.

Nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc
Đưa tiết đọc sách vào chương trình thời khóa biểu trong nhà trường là một trong những giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh minh họa: L.Q.

Thực trạng thói quen đọc trong nước

Theo ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – cụm từ “văn hóa đọc”, nếu xét trên bình diện quốc gia, là sự hợp thành của 3 yếu tố: Nhà quản lý, cộng đồng xã hội và cá nhân. Trong đó, mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc chính là tác động đến nhận thức của từng cá nhân.

“Muốn phát triển văn hóa đọc, chúng ta cần phải thúc đẩy đồng bộ 3 yếu tố: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Việc đọc chỉ có thể trở thành thói quen khi được lặp đi lặp lại trong một thời gian nhất định với tần suất cố định”, ông Lê Hoàng nói.

Là người có nhiều năm làm công tác khuyến đọc trong cộng đồng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhận định cản trở chính của văn hóa đọc đến từ nhà trường, gia đình và chính các đơn vị xuất bản.

Cụ thể, nhà trường chưa đưa tiết đọc sách vào khung thời khóa biểu chính thức. Tại các gia đình, nhiều bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm đến thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ. Các đơn vị xuất bản cũng chưa thực sự chú trọng tới công tác thị trường và biện pháp phát triển văn hóa đọc.

So sánh với các số liệu xuất bản và tỷ lệ đọc trên thế giới, ông Lê Hoàng cho rằng những quốc gia càng quan tâm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và gia đình có biện pháp tác động mạnh đến thói quen đọc sách cho trẻ, hiệu quả kinh tế xuất bản càng cao.

Bà Nguyễn Kim Thoa – CEO Tân Việt Books, người có kinh nghiệm thực hiện cải tạo thư viện tại nhiều địa phương – cho biết thực trạng thư viện hiện nay chưa được đầu tư đúng với giá trị và sứ mệnh đề ra.

“Rất ít gia đình Việt Nam có tủ sách cho con em mình. Chúng ta đang bỏ qua giai đoạn quý giá nhất của một con người để hình thành thói quen đọc. Mỗi người phải hiểu được rằng xây dựng văn hóa đọc là một nhiệm vụ lớn của quốc gia chứ không của riêng cá nhân, tập thể nào”, bà Kim Thoa nêu quan điểm.

Nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc
Số liệu tổng hợp từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thu.

Kiến nghị và giải pháp

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Minh – giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ dự án “Sách ơi, mở ra” – có 3 yếu tố để tạo thói quen đọc cho một con người. Thứ nhất là môi trường đầy ắp sự gợi ý. Thứ hai là tần suất lặp đi lặp lại. Cuối cùng là phần thưởng để khích lệ.

“Trong độ tuổi 0-6, gia đình là thành tố quan trọng nhất giúp trẻ xây dựng tình yêu sách. Đến giai đoạn tiểu học, nhà trường chiếm vị trí then chốt. Từ giai đoạn trung học cơ sở, xã hội đóng vai trò quyết định thông qua các câu lạc bộ, hội, nhóm, trung tâm văn hóa, mô hình cà phê sách hay sự kiện về văn hóa đọc”, TS Ngọc Minh nói.

Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng ở mỗi gia đình, cha mẹ cần hướng dẫn, tác động đến nhận thức của con trẻ về vai trò của sách và kỹ năng đọc, học tập suốt đời. Bên cạnh đó, phụ huynh nên gợi ý danh mục những tựa sách cho con em mình theo từng độ tuổi và đọc cùng con để đạt hiệu quả hơn.

Trong khi đó, nhà trường cần được cung cấp một danh mục gồm những cuốn sách bám sát vào chương trình của Bộ GD&ĐT. Khi có danh mục rồi, giáo viên và học sinh phải thực hiện tiết đọc ít nhất một tiết mỗi tuần.

Để văn hóa đọc thực sự phát triển sâu và rộng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng cũng đưa ra một số đề xuất, giải pháp, tác động đến gia đình, trường học và các đơn vị xuất bản, phát hành.

Thứ nhất, ông Hoàng cho rằng cần thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc.

Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm/lần về thực trạng đọc trong xã hội, lấy đó làm cơ sở để xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc.

“Bài khảo sát sẽ thực hiện các câu hỏi như: Bao nhiều phần trăm người dân có tủ sách? Họ có đến thư viện, nhà sách không? Họ có mua sách không? Ai là người giới thiệu sách cho họ?…”, ông Lê Hoàng gợi ý.

Thứ ba, cần bổ sung một số điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Bộ Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới.

Tiếp đến, cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đọc nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc việt Nam như: Phát động tuần lễ đọc sách, tổ chức các hoạt động, sự kiện tôn vinh sách, trao giải thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thúc đẩy văn hóa đọc…

Thứ năm, nhà nước cần có sự đầu tư hơn nữa cho các thư viện văn hóa – tổng hợp.

Thứ sáu, Bộ GD&ĐT đẩy mạnh việc tổ chức dạy học và đọc theo hướng dẫn.

Tiếp đến, ông Lê Hoàng cũng đưa ra đề xuất “cần kích hoạt các giải pháp để khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con và đặc biệt, mỗi gia đình phải xây dựng được tủ sách cho trẻ”.

Đối với đơn vị xuất bản, phát hành sách, việc đẩy mạnh cuộc thi, hoạt động hội sách ở cả hình thức trực tuyến và trực tiếp là rất thiết thực.

“Hội sách không chỉ được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM, mà nên có mặt ở 63 tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tạo điều kiện mọi người dân được tiếp cận sách mới. Ngoài ra, các đơn vị xuất bản cần ứng dụng công nghệ ‘Reading code’ – giải pháp công nghệ góp phần chống sách giả và tương tác tốt với người đọc; từ đó, tạo sự chuyển động mạnh mẽ, toàn diện hơn cho hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm”, ông Lê Hoàng nói thêm.

Nguồn: Znews.vn

Đọc thêm

Đọc sách là bệ phóng giúp vĩ nhân vươn xa trong sự nghiệp

Bà Lee Ha-Young, tác giả cuốn "Thư viện của những thần tượng", cho rằng các nghệ sĩ luôn khao khát học hỏi lẫn nhau, từ thế giới tri thức nằm trong sách vở. Tác giả Lee Ha-Young. Ảnh: NVCC. Mỗi dịp tháng tư về, người yêu sách trên toàn thế giới lại...

Chung tay đóng góp mang sách đến trẻ em khó khăn ở ĐBSCL

“Ngoài việc học, nhu cầu đọc truyện thiếu nhi giải trí của các em học sinh tất cả khối lớp rất nhiều, số sách hiện có của nhà trường chưa thể đáp ứng hết”, đại diện trường Tiểu học Trường Xuân 2, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp chia sẻ...

Độc giả Hà Nội, TP.HCM vượt nắng nóng đi hội sách mua giá hời

Dù đang bị gãy chân và thời tiết ngày cuối tuần khá oi bức, Vân Anh (19 tuổi, Hà Nội) vẫn nhờ bạn chở tới Hồ Văn (thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) để tham dự hội sách. Vừa chống nạng khập khiễng, cô vừa...

Lan tỏa tri thức sâu – rộng – nhanh

Hôm nay (21/4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022). Sự khởi sắc rõ rệt thể hiện ở Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt...

Cởi bỏ áp lực thành tích để đồng hành cùng con

Bộ sách “Để con tự học” mang đến cho phụ huynh và độc giả nhiều phương pháp giáo dục con hiệu quả, đặc biệt là cách giúp con tự giác và chủ động học tập. Để nuôi dạy con cái tốt, các bậc cha mẹ nên xây dựng tính tự...

Ngày hội đọc sách 2024

Sách hay